Gà công nghiệp: tảng thịt trị giá 12.000 tỉ đồng
Doanh số hơn 1.000 tỉ đồng/tháng
Ba doanh nghiệp nước ngoài đang chi phối thị trường thịt gà công nghiệp tại Việt Nam là công ty C.P (Thái Lan), Emivest (Malaysia), Japfa (Indonesia). Cách nay gần 20 năm, người tiêu dùng đã biết đến thịt gà công nghiệp thương hiệu C.P; đến năm 2004 có thêm Japfa, và năm 2008 thương hiệu Emivest góp mặt, tạo thành thế cạnh tranh “kiềng ba chân” hoàn hảo.
Tại sao con gà công nghiệp lại được chú ý như vậy? Theo giải thích của ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc công ty Japfa, so với các loại thực phẩm khác như thịt bò, thịt heo, thuỷ hải sản thì giá thành đầu tư trên một đơn vị thịt gà công nghiệp thấp hơn. Để nuôi được một ký thịt heo hơi, nhà đầu tư phải bỏ ra 2,6 – 2,7kg thức ăn; suất đầu tư tương ứng với một ký thịt bò và cá lần lượt là 7 – 9kg và 1,4 – 1,6kg. Thời gian nuôi từ bốn tháng cho đến một năm. Nuôi gà công nghiệp chỉ tốn 1,8 – 1,9kg thức ăn, thời gian trong vòng một tháng nên đồng vốn xoay vòng nhanh. Ông Trung nói: “Với hai lợi thế quan trọng là có giá rẻ, hàm lượng dinh dưỡng cao, thịt gà công nghiệp ngày càng đáp ứng nhu cầu của hầu hết tầng lớp trong xã hội”.
Theo số liệu công bố, trong khoảng ba năm trở lại đây, tổng đàn gà công nghiệp của ba đại gia này tăng chóng mặt, từ 96 triệu con năm 2010 lên 122 triệu năm 2011 (tăng 27,8%). Năm 2012, cho dù kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ thấp kéo theo giá gà công nghiệp giảm nhưng tỷ lệ tăng trưởng vẫn đạt 25%, tương đương 153 triệu con. Năm nay, dự báo con số tăng trưởng đàn vẫn ở mức 10%, tức khoảng 168 triệu con. Trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp tung ra thị trường 12,7 triệu con gà công nghiệp. Nếu tính mỗi con nặng 2,7kg, trung bình mỗi tháng, thị trường thịt gà công nghiệp mang lại doanh thu 1.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Trung cho rằng, con số doanh thu trên 1.000 tỉ đồng mỗi tháng có 65 – 70% tỷ lệ thức ăn, còn lại là các chi phí khác. Một số chuyên gia trong ngành chăn nuôi cũng đưa ra phân tích việc áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, quản lý hiện đại từ nước ngoài cho phép doanh nghiệp tiết giảm tối đa giá thành, giảm rủi ro ở mỗi khâu, nhờ đó tỷ lệ lợi nhuận sẽ rất cao.
“Với doanh thu như vậy thì chỉ cần lợi nhuận đạt 1%, một năm nuôi năm lứa thì riêng tiền bán gà cũng mang về cho ba doanh nghiệp 500 tỉ đồng”, một chuyên gia tính toán. Hiện nay C.P chiếm thị phần lớn nhất với xấp xỉ 50%, số còn lại chia đều cho Japfa và Emivest.
Thêm nhiều đại gia đầu tư
Theo tìm hiểu, trong năm 2013 này thị trường có thêm hai doanh nghiệp nước ngoài là công ty TNHH Unitek (Úc) với thương hiệu gà tẩm gia vị 99 và công ty TNHH CJ Vina Agri (Hàn Quốc). Đại diện Unitek cho biết trước mắt sẽ nuôi khoảng 10.000 con/tuần để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu làm gà chế biến sẵn. Còn CJ Vina Agri mặc dù không tiết lộ số lượng, nhưng với quy mô tổng đàn bố mẹ dự kiến đầu tư trong năm nay có thể tính toán đàn gà thương phẩm mà công ty này dự kiến nuôi sẽ không dưới 100.000 con mỗi tháng.
“Chúng tôi đã đầu tư ba nhà máy cám tại Việt Nam và có kế hoạch đầu tư nâng tổng đàn gà công nghiệp lên gấp ba, bốn lần trong năm tới”, đại diện công ty này cho biết.
Việc tăng đàn gà công nghiệp được các đại gia nước ngoài tính toán dựa vào cơ cấu tăng dân số và nhu cầu tiêu thụ. Dù tỷ lệ tăng đàn gà công nghiệp trong vòng ba bốn năm trở lại đây tuy ở mức cao, nhưng đáp ứng được 2/3 nhu cầu. Còn lại phải nhập khẩu. So với một số nước trong khu vực, tỷ lệ sử dụng thịt gà công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá thấp, 3,5kg/người/năm, còn Indonesia, Thái Lan, Malaysia là 4,5 – 7kg/người.
“Dư địa thị trường còn khá lớn, nếu Nhà nước coi trọng chăn nuôi trong nước, hạn chế nhập khẩu thì càng khuyến khích các công ty mở rộng đầu tư, tăng thị phần”, ông Trung khẳng định.
(Theo SGTT)