Thứ Sáu | 07/09/2012 06:18

G20 cân nhắc đối phó giá lương thực tăng vào tháng tới

Các nước G20 sẽ quyết định có đưa ra hành động chung để đối phó với giá các loại ngũ cốc toàn cầu tăng cao hay không.
Thứ trưởng nông nghiệp Nga Ilya Shestakov ngày 6/9 cho biết các quan chức cấp cao của Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20) sẽ nhóm họp Diễn đàn Ứng phó Nhanh vào tháng tới để thảo luận các biện pháp đối phó với giá lương thực tăng cao.

"Vào đầu hoặc giữa tháng 10, các nhà đại diện của Nga sẽ tham gia vào Diễn đàn Ứng phó Nhanh, được thành lập trong khuôn khổ các nước G20 vào năm ngoái để thảo luận về các vấn đề thị trường lương thực", thứ trưởng Ilya Shestakov cho biết trong một hội nghị tại Matxcơva.

"Chúng tôi chưa lên kế hoạch về bất kỳ biện pháp khẩn cấp nào. Chúng tôi muốn phân tích, thảo luận về các kịch bản có thể xảy ra và các hành động chung để đối phó với giá lương thực tăng cao", thứ trưởng Ilya Shestakov cho biết thêm.

Pháp, nước chủ trì tổ chức nông nghiệp của G20 cho rằng bất kỳ quyết trịnh triệu tập Diễn đàn Ứng phó Nhanh nào cũng phải được thực hiện sau báo cáo của chính phủ Mỹ về tình trạng hạn hán công bố ngày 12/9. Các quan chức pháp từ chối bình luận về thông tin trên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ về những gì G20 có thể làm để kiềm chế thị trường. "Cho đến nay, tất cả những gì mà G20 thành công là tạo ra một bộ máy quan liêu",  nhà phân tích James Dunsterville tại công ty tư vấn Agrinews trụ sở ở Geneva cho biết.

Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất ở Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua cùng với sản lượng lương thực tại những nước xuất khẩu lớn như Nga, Ukraine sụt giảm do thời tiết khắc nghiệt đã đẩy giá ngũ cốc lên kỷ lục vào mùa hè này, gây nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực cách đây 4 năm.

Dù giá lương thực vẫn dưới mức đỉnh hồi tháng 2/2011 và tình hình cũng chưa đến mức gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu trong ngắn hạn nhưng xu hướng leo thang của giá lương thực đang gây lo ngại.

Tại các quốc gia thu nhập cao như Mỹ và Tây Âu, giá lương thực tăng cao đột ngột tạo ra nhiều thách thức, buộc các gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi chi tiêu. Tại các nước thu nhập thấp, giá lương thực tăng gây ra những khó khăn vô cùng lớn, buộc người dân phải đưa ra những quyết định sống còn.

Thực tế này đặc biệt đúng đối với những gia đình nghèo ở các quốc gia phải nhập khẩu lương thực như Angola, Ai Cập và Tunisia. Giá lương thực tăng cao cũng có thể gây bất ổn xã hội như từng xảy ra trong những năm gần đây, gây áp lực cho ngân sách quốc gia phải trợ giá lương thực.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện