Hiện nay, chưa có nhiều đơn vị tại Việt Nam cung cấp 3PL/Fulfillment. Ảnh: Qúy Hòa
Fulfillment: Át chủ bài của dịch vụ logisitics
Đầu tư lớn cho thị trường lớn
Cuối tháng 5 vừa qua, Giao Hàng Nhanh (GHN), công ty giao nhận đầu tiên tại Việt Nam, đã ký kết với SaleKit, một doanh nghiệp chuyên về phần mềm quản lý bán hàng cho mục đích tối ưu hơn nữa hoạt động kinh doanh, từ việc bán hàng, quản lý đơn hàng đến giao/nhận hàng.
Trước đó, GHN đã đầu tư hệ thống quản lý thông minh trực tuyến 24/7, đầu tư kho bãi hơn 100.000 m2 cùng mạng lưới 1.000 xe tải phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành. GHN cũng chú ý phát triển đội ngũ 10.000 nhân viên, tài xế cùng quy trình vận hành chuyên nghiệp... Tất cả là để GHN có thể cung cấp nhiều giải pháp trọn gói, tiết kiệm chi phí và có thể giao hàng đến tay người nhận nhanh hơn.
Theo một khảo sát của iPrice, ở Đông Nam Á, hễ giao hàng chậm, kéo dài thì tỉ lệ khách hàng hài lòng với xếp hạng 4-5 sao sẽ giảm từ 10-15%. Rất nhiều khách hàng đã ưu tiên việc nhận sản phẩm sớm và sẵn sàng trả tiền cao hơn để được chuyển phát nhanh hoặc trong ngày.
Theo một khảo sát của iPrice, ở Đông Nam Á, hễ giao hàng chậm, kéo dài thì tỉ lệ khách hàng hài lòng với xếp hạng 4-5 sao sẽ giảm từ 10-15%. Ảnh: Qúy Hòa. |
Để thỏa mãn nhu cầu này, các cơ sở sản xuất, nhà bán lẻ, người bán hàng online ưu tiên tìm kiếm đối tác làm tốt hơn các công đoạn như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng, trả hàng… Các dịch vụ này gọi chung là dịch vụ hoàn tất đơn hàng (fulfillment).
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết, khi sử dụng dịch vụ fulfillment từ bên thứ ba, người bán hàng không phải đầu tư trước, tiết kiệm 20% chi phí vận chuyển, 30-50% chi phí duy trì kho riêng và giúp doanh nghiệp tăng doanh thu lên 2 lần nhờ gia tăng chất lượng dịch vụ, tập trung bán hàng.
Thực tế, từ lâu thế giới đã chú ý đến dịch vụ fulfillment mà Webgistix SmartSuite (Mỹ) cung cấp chỉ mất 1-2 ngày để giao hàng cho hầu hết các bang ở Mỹ. Tại Việt Nam, dịch vụ fulfillment được đánh giá tiềm năng, nhất là khi Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số (18%) và đạt quy mô 11,8 tỉ USD vào năm 2020, theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số.
Các phân tích của GlobalData’s E-Commerce Analytics cũng dự đoán, đến năm 2024, quy mô thị trường có thể đạt 26,1 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa, bán lẻ trực tuyến nói chung và dịch vụ hoàn tất đơn hàng nói riêng sẽ phát triển tương ứng.
Từ vài năm trước, trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử cạnh tranh khốc liệt, khi Lazada, Tiki, Shopee, Sendo... vẫn còn đang miệt mài “đốt tiền”, thì các nhà bán hàng nhận thấy cần thuê ngoài dịch vụ hoàn tất đơn hàng để giảm rào cản gia nhập ngành.
Không ít nhà bán hàng đã lựa chọn đặt hàng tại một trung tâm hoàn tất đơn hàng để tránh xé lẻ, tránh đọng vốn và chủ động kiểm soát số lượng, chất lượng của hàng hơn. Ngoài ra, các công ty chuyên cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng thường chào giá “mềm” hơn, chiều khách và dịch vụ linh hoạt hơn so với trung tâm xử lý ở các sàn.
Đây là cơ sở để dịch vụ fulfillment nở rộ ở Việt Nam. Theo số liệu không chính thức, hàng trăm đơn vị, cả quốc tế lẫn trong nước đều tham gia lĩnh vực này. Đó là DHL, Best Inc, Loship, J&T Express (nước ngoài) hay GHN, Whitebox, Sapo (trong nước). Gần đây hơn, Nhất Tín Logistics cũng đã chính thức vào cuộc.
Điều khác biệt của Nhất Tín Logistics là Công ty triển khai dịch vụ quản lý kho và hoàn thiện đơn hàng (3PL/fulfillment). Tuy nhiên, để triển khai dịch vụ 3PL/fulfillment, phía cung cấp phải có kho bãi đạt chuẩn, có cách thức quản lý giám sát chuyên nghiệp. Ngoài ra, các công ty còn phải chịu trách nhiệm nhập hàng, xuất hàng khi có yêu cầu; soạn và đóng gói hàng hóa, vận chuyển hoàn thiện đến tận tay người nhận khi có vận đơn mới và có lệnh xuất kho; theo dõi và cập nhật tình hình tồn kho hàng hóa cho đối tác một cách chính xác và kịp thời.
Thị trường ngách cho doanh nghiệp nội
Hiện nay, chưa có nhiều đơn vị tại Việt Nam cung cấp 3PL/Fulfillment. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ thuê một đối tác để thực hiện công đoạn xử lý các đơn hàng khi có khách đặt và thuê một đơn vị khác để vận chuyển đến tận tay người nhận. Đây có lẽ là lý do không phải đơn vị nào cũng có thể triển khai dịch vụ 3PL (Third Party Logistics). Thị trường 3PL ở Việt Nam hiện trong tay một số tên tuổi như DHL, Damco, FedEx, APL (nước ngoài), Gemadept, Vinafco, Transimex, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Viettel Post, GHN (trong nước)...
Trong khi đó, Vietnam Post tìm cơ hội triển khai mã địa chỉ bưu chính, tức gán mã cho hơn 23 triệu địa chỉ (tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) trên nền tảng bản đồ số V-map. Ngoài ra, Vietnam Post cũng xây dựng mã bưu chính quốc gia Vpostcode.
Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Post, nền tảng này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bưu chính, logistics, thương mại điện tử cải thiện chất lượng, tối ưu hoạt động chuyển phát, tăng tính chính xác và giảm chuyển hoàn. Đây cũng là những cơ sở để Vietnam Post dấn bước sâu vào dịch vụ chuyển phát - hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử.
Dù chọn cách thức gì để thâm nhập và tìm chỗ đứng trong ngành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ fulfillment cần chú ý đến vị thế, mức độ chuyên nghiệp, kho hàng riêng, mô hình kinh doanh, khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đối tác, giá cả tương xứng chất lượng, đảm bảo chất lượng luôn duy trì, chất lượng chăm sóc khách hàng... Bởi đây đều là những tiêu chí lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ fulfillment của các nhà bán hàng.