FTA với EU: Cơ hội mới cho Việt Nam sau TPP
Ngày 4/8, EU và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) giữa hai bên. Điều này đã mở ra một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam cũng như tạo cơ hội cho các công ty châu Âu có thể tiếp cận thị trường tiêu thụ với hơn 90 triệu dân tại Việt Nam.
Năm 2014 nền kinh tế của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,4% với GDP lên tới 184 tỷ đô la. Theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng tới 82% trong vòng năm năm tới, được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh với cơ cấu dân số trẻ và đặc biệt là sự tăng lên nhanh chóng về công nghệ.
Trong năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đã lên tới hơn 28 tỷ euro, biến EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm đa số, đạt 22 tỷ euro.
Một khi hiệp định FTA được Nghị viện châu Âu thông qua, 99% rào cản thuế quan giữa châu Âu và Việt Nam sẽ được dỡ bỏ trong vòng 10 năm tới.
Bà Cecilia Malmstrom - ủy viên thương mại của EU cho biết: “Hơn 31 triệu việc làm tại EU phụ thuộc vào các hoạt động xuất khẩu. Do đó việc có thể tiếp cận và thâm nhập dễ dàng vào một thị trường mới nổi và đang phát triển nhanh với hơn 90 triệu người là một tin rất tuyệt vời”.
Các công ty quần áo, giày dép và đồ thể thao tại Châu Âu đã liên tục ủng hộ hiệp định này, để tháo dỡ rào cản cho hàng hóa của họ sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người cũng lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng Việt Nam như là một kênh để tiếp cận thị trường EU. Vì vậy, phía EU đã đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, để đảm bảo rằng nguyên vật liệu từ Trung Quốc phải đi qua sản xuất ở Việt Nam trước khi tái xuất khẩu sang Châu Âu.
Ngoài ra, hiệp định FTA sẽ tạo điều kiện cho các công ty EU có thể tham gia đấu thầu các công trình lớn tại Việt Nam, đặc biệt là trong mảng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, họ còn có thể tham gia vào một số lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng và bảo hiểm.
Phía EU cũng khẳng định rằng đã có nhiều tiến bộ về hàng rào phi thuế quan tại Việt Nam, và dự báo rằng các doanh nghiệp Châu Âu có thể tiếp cận nhiều hơn trong các lĩnh vực như đồ điện gia dụng, công nghệ thông tin và thực phẩm.
Thỏa thuận này cũng quy định rõ về việc bảo đảm chỉ dẫn địa lý cho các thực phẩm và đồ uống Châu Âu, và tương tự như vậy đối với các sản phẩm của Việt Nam như cà phê Buôn Ma Thuột.
Đinh Hạnh
Nguồn Financial Times