FTA Việt Nam–Liên minh Hải quan tạo nhiều cơ hội cho dệt may, da giầy
Sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA) kết thúc đàm phán từ cuối năm 2014. Dự kiến đầu năm 2015, hai bên sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để chính thức ký kết Hiệp định.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do này sẽ là một đòn bẩy tốt cho hai bên tiến hành các hoạt động thương mại, kinh tế xứng tầm với mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa hiệu quả mà Hiệp định này mang lại.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về vấn đề này.
PV: Thưa Thứ trưởng, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội như thế nào khi Hiệp định này được ký kết và nhóm ngành hàng nào sẽ được hưởng lợi nhất từ Hiệp định này, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Về phía Việt Nam, đây là cơ hội hết sức lớn đối với các doanh nghiệp. Những mặt hàng chúng ta có thể thâm nhập vào thị trường này là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam bao gồm: da giầy, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ…Hiện nay, đối với mặt hàng thế mạnh này của chúng ta có thể xuất khẩu sang thị trường này được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thậm chí nhiều mặt hàng thuế về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này trong thời gian tới.
PV: Được biết, trong quá trình đàm phán Hiệp định này, phía Liên minh Hải quan đặt ưu tiên xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp, trong đó có mặt hàng thép…Nhiều doanh nghiệp thép lo ngại về việc mất thị trường hoặc thậm chí có thể phá sản. Ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Với mặt hàng thép đã được Bộ Công Thương hết sức lưu ý. Chúng ta phải hiểu nói đến thép thì không phải chỉ một mặt hàng mà có mấy chục mặt hàng thép. Liên quan đến Việt Nam, chỉ có phần rất ít số lượng mặt hàng ảnh hưởng bởi Hiệp định này. Trong số nhiều mặt hàng sắt thép phía Liên minh yêu cầu ưu tiên cắt giảm thuế quan thì chỉ có một số loại thuộc danh mục do Hiệp hội Thép đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế.
Như vậy về tổng thể, phía Liên minh có thể cung cấp cho ta nhiều mặt hàng sắt thép mà Việt Nam không sản xuất, phía Liên minh sẽ phải tự cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường Việt Nam. Kể cả khi chúng ta ký kết Hiệp định Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan, thì các sản phẩm thép tại các nước này phải vận chuyển sang Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh được với các mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường Việt Nam. Chúng tôi nghĩ vai trò quan trọng là ở các doanh nghiệp của Việt Nam chứ không phải chúng ta ký kết với ai về một mặt hàng nào.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết những khó khăn nào mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi Hiệp định này đi vào thực thi từ năm 2015?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Khi ta ký kết Hiệp định thương mại tự do, ta có nhiều mặt thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi các doanh nghiệp của Liên minh thuế quan này vào Việt Nam được ưu đãi về thuế quan. Doanh nghiệp trong nước phải đối đầu với khó khăn. Khi chúng ta được hưởng thuế suất bằng 0% tại các thị trường mà chúng ta ký kết Hiệp định, thì đương nhiên ở tại Việt Nam cũng phải chấp nhận một số mặt hàng mà thuế suất giảm xuống.
Tôi nghĩ rằng, quan trọng hơn khi giá thành ở tại Việt Nam giảm xuống thì mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Qua đó mang lại lợi ích cho quốc gia, thu nhập và đóng góp cho nền kinh tế. Cả doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi từ vấn đề này. Hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng và hoạt động của ngành công thương nói chung đã có định hướng là phải bám sát lợi thế khi Việt Nam gia nhập và ký kết các hiệp định, chúng ta có mặt mạnh nào thì phải đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường đó.
Tất cả Hiệp định thương mại đều có thuận lợi và khó khăn. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội thì có nhiều thuận lợi và ưu đãi.
PV: Cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn VOV