FPT vẫn tăng trưởng đều nhờ công nghệ và viễn thông
Công nghệ và viễn thông tăng trưởng mạnh
10 tháng, khối công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 10.025 tỉ đồng và 1.219 tỉ đồng, tăng 25% và 41% so với cùng kỳ.
Kết thúc 10 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Công ty Cổ phần FPT (Mã chứng khoán: FPT) lần lượt đạt 18.367 tỉ đồng và 3.156 tỉ đồng, tương đương 105% và 115% kế hoạch lũy kế, tăng 22% và 34% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương (năm 2017 hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với công ty liên kết). Trong điều kiện so sánh với số liệu thực tế cùng kỳ năm 2017, doanh thu giảm 47% và LNTT tăng 19%.
Lợi nhuận sau thuế đạt 2.659 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2.128 tỉ đồng, tăng 23% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.474 đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 17,2%, bằng 2,3 lần cùng kỳ.
Doanh thu khối công nghệ và viễn thông đóng góp 94% tổng doanh thu của toàn tập đoàn. Khối công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 10.025 tỉ đồng và 1.219 tỉ đồng, tăng tương ứng 25% và 41% so với cùng kỳ, tương đương 107% và 111% kế hoạch lũy kế.
Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 6.683 tỉ đồng, tăng 35%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.061 tỉ đồng, tăng 33%. Doanh thu tại các thị trường đều có mức tăng trưởng tốt, trên 27% so với cùng kỳ.
Khối viễn thông ghi nhận 7.263 tỉ đồng doanh thu, đạt kế hoạch lũy kế và tăng 16% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 1.264 tỉ đồng, tương đương 106% kế hoạch lũy kế và tăng 21%.
Trong 10 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả tích cực với 7.215 tỉ đồng doanh thu, tăng 32% và 1.175 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài tăng từ mức 16% trong 10 tháng năm 2017 lên mức 39% trong 10 tháng năm 2018.
Chiến lược kinh doanh thay đổi từ 2018
Trong năm 2018, bức tranh tài chính của FPT sẽ thay đổi với việc doanh thu chỉ còn đến từ 3 lĩnh vực công nghệ, viễn thông, giáo dục đào tạo, sau khi đã thoái vốn khỏi lĩnh vực phân phối và bán lẻ.
Theo FPT, 3 lĩnh vực trên có tỷ suất lợi nhuận cao nên tỷ suất lợi nhuận chung của Tập đoàn qua đó sẽ tăng 2 lần lên gần 16% và dự kiến sẽ đầu tư tập trung hơn 3.700 tỉ đồng.
Trong đó, FPT sẽ đầu tư 2.005 tỉ đồng cho lĩnh vực dịch vụ viễn thông bao gồm, hạ tầng viễn thông vào các khu tòa nhà cao tầng để mở rộng địa bàn kinh doanh; một tuyến cáp biển và hạ ngầm cáp đường trục tại khu vực miền Trung.
Khối công nghệ nhận đầu tư 1.210 tỉ đồng, với việc đẩy mạnh các hoạt động của mảng xuất khẩu phần mềm với chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng lớn, nâng cao năng lực chuyên sâu trong một số ngành trọng điểm như hàng không, ô tô, ngân hang…
Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A tại thị trường Mỹ, Nhật Bản với mục tiêu tập trung vào các công ty có doanh thu từ 50-200 triệu USD.
Đối với lĩnh vực giáo dục, năm 2018 FPT tập trung phát triển theo mô hình Mega Education tại Đà Nẵng và Cần Thơ. Tăng cường đầu tư mở rộng xuống các hệ giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Mức chi đầu tư dự kiến cho lĩnh vực này là 511 tỉ đồng…
Năm 2017 vừa qua, FPT đạt doanh thu hợp nhất hơn 43.845 tỉ đồng, tăng 8% so với năm trước và hoàn thành 94% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.255 tỉ đồng, tăng 41% so với năm trước, vượt 25% kế hoạch. Kết quả này một phần đến từ hoạt động thoái vốn tại lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại FPT Retail và Synnex FPT.
Theo kết quả kinh doanh 2017, HĐQT Công ty cũng đã thông qua việc nâng mức trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 từ 20% lên mức 25%. FPT đã thực hiện chi trả 10% trong năm 2017, 15% còn lại dự kiến sẽ chi trả trong quý II/2018.