FPT sẽ tăng đầu tư vào mảng viễn thông
Hiện FPT đã đề nghị SCIC thoái vốn tại FPT Telecom theo hình thức hoán đổi cổ phiếu hoặc bằng tiền mặt. Lãnh đạo FPT kỳ vọng hoàn tất việc thâu tóm FPT Telecom ngay trong năm nay. Hiện SCIC đang nắm giữ 50,7% cổ phần tại FPT Telecom, FPT nắm giữ 40,43% và phần còn lại thuộc các cổ đông khác.
Ngoài việc mua lại vốn góp của SCIC trong FPT Telecom, FPT cũng đặt nhiều tham vọng cho mảng kinh doanh viễn thông trong thời gian tới.
Do không có được băng tần để phát triển mạng di động kết nối đến mỗi cá nhân, nên trên cơ sở hạ tầng băng rộng hiện có, FPT sẽ thực hiện cung cấp thêm các dịch vụ mới, trong đó có truyền hình cáp để kết nối đến mỗi hộ gia đình.
Theo ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom, trong giai đoạn cạnh tranh hiện nay, nhà cung cấp nào chỉ cung cấp một dịch vụ trên một sợi cáp thì khó có khả năng tồn tại. Do đó, FPT Telecom mới đây đã cùng AVG đệ đơn tới Bộ Thông tin và Truyền thông xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
Ngoài ra, FPT cũng đang triển khai các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài thông qua mua bán, sáp nhập. Tháng 5 vừa qua, FPT đã hoàn tất việc mua lại giấy phép viễn thông của một công ty tại Campuchia để thực hiện cung cấp dịch vụ Internet băng rộng và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội tương tự tại thị trường Lào, Myanmar.
Việc FPT quyết định thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông là do đây là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho FPT trong 3 năm gần đây. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của FPT trong 5 tháng đầu của năm 2012, lợi nhuận trong lĩnh vực viễn thông đạt 302 tỷ đồng trên tổng lợi nhuận 974 tỷ đồng của toàn FPT.
Các mảng kinh doanh khác của FPT như sản xuất và phân phối điện thoại di động, phân phối sản phẩm công nghệ thông tin, tích hợp hệ thống đang gặp khó khăn do sức mua của thị trường yếu cũng như tình trạng cắt giảm chi tiêu của các khách hàng lớn trong khối cơ quan nhà nước, tài chính, ngân hàng.
Nguồn Đầu tư