FPT sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ viễn thông, xuất khẩu phần mềm và nội dung
Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Phương, kinh tế ảm đạm đã khiến ngành công nghệ thông tin sụt giảm đáng kể. Tổng giá trị nhập khẩu IT giảm 3% so với cùng kỳ, hàng điện thoại di động giảm gần 10% trong khi lượng hàng tồn kho lại tăng nhiều.
Trong bối cảnh đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty đạt 11.465 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đạt 1.205 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức 753 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo ông Phương, kinh tế vĩ mô sẽ khó cải thiện nhiều trong 6 tháng cuối năm. Trước tình hình đó, FPT sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ viễn thông, xuất khẩu phần mềm, nội dung. Các lĩnh vực còn lại là phân phối, bán lẻ và tích hợp hệ thống sẽ phụ thuộc khá nhiều vào các kịch bản của nền kinh tế.
Trong giai đoạn tiếp theo, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào chuỗi bán lẻ, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và đầu tư cho dự án online. “FPT sẽ tập trung vào thế mạnh công nghệ, hy vọng cuối năm tập đoàn sẽ có kết quả khả quan”, Phó Tổng giám đốc Chu Thanh Hà nhận định.
Bên cạnh đó, có khoảng 20 câu hỏi về các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, viễn thông, tích hợp hệ thống và nội dung số... đã được các nhà đầu tư đặt ra trong gần hai giờ đồng hồ.
Trả lời cho câu hỏi về kết quả kinh doanh của FPT Trading có thay đổi khi Nokia chia lại thị trường, Giám đốc FPT Trading Hà Nội Nguyễn Quang Minh cho biết, công ty có thuận lợi khi Nokia chia lại thị phần, điều này sẽ giúp FPT Trading tăng doanh thu.
Liên quan đến việc phát triển thuê bao net và đầu tư hạ tầng của FPT Telecom, theo Phó Tổng giám đốc FPT Telecom Nguyễn Hoàng Linh, trong 6 tháng đầu năm, số lượng thuê bao net của đơn vị tăng trưởng tốt so với năm 2011.
“Đầu tư vào hạ tầng là việc sống còn của FPT Telecom”, ông Linh nói. Việc này không chỉ giúp FPT Telecom chủ động và tăng băng thông mà còn giúp công ty tự tin trong việc thuyết phục các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của mình.
Về việc FPT sẽ khắc phục những khó khăn trong thời gian tới như thế nào, ông Thế Phương cho hay, Ban lãnh đạo FPT nhận định công nghệ thông tin vẫn sẽ là ngành có tương lai tăng trưởng tốt bởi hiện tại Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng nhìn nhận Việt Nam có thế mạnh trở thành trung tâm công nghệ thông tin của khu vực và thế giới. Về dài hạn, nếu kinh tế phục hồi, FPT tự tin sẽ đạt được mức tăng trưởng 30%, ông Phương nói.
Nguồn Khampha/Chungta