FPT hiện dựa vào những mảng kinh doanh chủ yếu gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục.
FPT “săn cá voi” bằng A.I
Trong giới công nghệ, câu chuyện được bàn tán nhiều nhất vài tuần qua là chuyến thăm của tỉ phú Jensen Huang và việc Nvidia thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (A.I) và Trung tâm Dữ liệu A.I tại Việt Nam. Thế nhưng, đề tài A.I đã nóng tại FPT trong nhiều năm trở lại đây khi lãnh đạo tập đoàn này tuyên bố “đánh cược vào A.I”. Dù chặng đường trong lĩnh vực này còn dài nhưng FPT đã có những ván thắng nhỏ. Chẳng hạn, gần thời điểm ký kết với Nvidia, FPT đã có hợp đồng trị giá 225 triệu USD từ một khách hàng tại Mỹ trong dự án kéo dài 3 năm với sự tham gia của hơn 1.000 chuyên gia phần mềm.
Kết quả kinh doanh của FPT cũng lạc quan như những câu chuyện về A.I. Dự phóng kết quả kinh doanh chung của FPT, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng doanh thu thuần tăng 19,2% lên 62.712 tỉ đồng trong năm 2024 và tăng trưởng 25,8% lên xấp xỉ 78.900 tỉ đồng trong năm 2025. Về lợi nhuận ròng, FPT có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đều đặn 20% trong năm 2024 lên gần 8.000 tỉ đồng, sau đó tăng trưởng bứt phá 27% trong năm 2025 lên 10.157 tỉ đồng.
Theo VNDIRECT, FPT dự định tiếp tục chiến lược “săn cá voi” (đối tác, hợp đồng lớn) bằng cách tập trung vào việc bán thêm cho các khách hàng hiện tại trong khi tích cực mở rộng cơ sở khách hàng. Yếu tố đặc biệt tạo đà bứt phá cho FPT chính là việc hợp tác với Nvidia ra mắt AI Factory (nhà máy A.I) giai đoạn 1 trị giá 100 triệu USD dự kiến vào đầu năm 2025. Nvidia đánh giá FPT là 1 trong 4 đối tác ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Theo đó, FPT là công ty duy nhất đến nay làm cả hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ A.I để phục vụ khách hàng. Thêm vào đó, giá thuê của FPT cạnh tranh, ngang bằng với các đối tác Nhật và thấp hơn nhiều so với Google và Microsoft. Những yếu tố này giúp FPT có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường dịch vụ A.I.
Vì thế, FPT đã bắt đầu “xuống tiền” cho ván cược như nâng vốn điều lệ của FPT Smart Cloud từ 200 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng nhằm mở rộng phát triển mảng A.I. Dự án xây dựng AI Factory 200 triệu USD cũng là khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn này từ trước đến nay. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ phát triển 1 triệu chuyên gia tư vấn A.I thay vì các lập trình viên đơn thuần.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình cho rằng, A.I sẽ thay đổi toàn thế giới. Các tập đoàn lớn đều đầu tư vào A.I với mức độ có thể gấp đôi sau mỗi năm và ở quy mô hàng trăm tỉ USD. Nvidia trở thành công ty hơn 3.000 tỉ USD và sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường. “Nói FPT đặt cược vào A.I có nghĩa niềm tin thành công cao hơn rất nhiều. Trước đây, FPT quyết định ra toàn cầu không gọi đặt cược vì biết có thể thất bại và cũng lường trước là vô cùng khó khăn. Nhưng bây giờ, dùng từ đặt cược vì tin đây là quyết định đúng đắn nhất”, lãnh đạo FPT trả lời báo chí.
Với nhu cầu hiện tại vượt quá nguồn cung, VNDIRECT kỳ vọng FPT sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD vào năm sau, có khả năng tạo ra doanh thu từ 70-100 triệu USD cho AI Factory. Khi nhà máy A.I này được nâng cao công suất sử dụng, doanh thu có thể đạt 120 triệu USD. Xét đến việc A.I vẫn đang ở giai đoạn đầu và nhu cầu về cơ sở hạ tầng vẫn còn cao, VNDIRECT kỳ vọng FPT có thể mở rộng đầu tư vào các nhà máy A.I một cách đáng kể, có khả năng lên tới hàng tỉ USD, tương tự như các đối thủ cạnh tranh khác.
FPT hiện dựa vào những mảng kinh doanh chủ yếu gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục. Với chiến lược phát triển mới, FPT thúc đẩy 5 mảng A.I - Bán - Xe - Số - Xanh (A.I, bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh). A.I là hạt nhân trong hệ sinh thái này và được kỳ vọng sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt để FPT Software nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 5 tỉ USD vào năm 2030 và nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin tỉ USD trên toàn cầu.
FPT đặt ván cược theo chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam. Theo báo cáo của Thundermark Capital, Việt Nam hiện nằm trong Top 30 thế giới về nghiên cứu A.I. Thành tích này đưa Việt Nam trở thành 1 trong 2 đại diện của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore, góp mặt trong xếp hạng này. Trong những năm gần đây, nhiều mô hình về A.I do Việt Nam phát triển như PhoGPT, VinBrain, LovinBot hay FPT AI Mentor...
Tuy nhiên, ngoài thuận lợi, bên cạnh việc thiếu hụt nhân lực, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức khác như thiếu cơ hội tiếp cận với các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về A.I; thiếu cơ hội tiếp cận các cơ sở hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp... Sự bùng nổ nhanh chóng của A.I cũng đặt ra câu hỏi đáng lo ngại về khả năng kiểm soát những hệ thống A.I thông minh hơn con người, chiếm việc làm của con người... Đây cũng là những khó khăn mà FPT phải vượt qua nếu muốn ván cược của mình đi vào cửa thắng