Thứ Bảy | 29/03/2014 16:59

FPT: Ban lãnh đạo "tuyên thệ" quyết tâm toàn cầu hóa

FPT đặt mục tiêu tăng trưởng nước ngoài đạt trên 30% mỗi năm, doanh thu mục tiêu 340 triệu USD từ thị trường nước ngoài.
Tại đại hội cổ đông diễn ra sáng nay (29/3), Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT Trương Gia Bình đã cùng toàn bộ ban lãnh đạo FPT "tuyên thệ" quyết tâm thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn giai đoạn 2014 - 2016.

Theo đó, FPT sẽ tập trung đẩy mạnh toàn cầu hóa, củng cố vị thế trong các lĩnh vực truyền thống tại thị trường trong nước, đầu tư cho công nghệ mới và các hoạt động nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A).

Theo ông Bình, tại Việt Nam, FPT đã đến thị phần tới hạn, thách thức đối với FPT là thay đổi xu thế tăng trưởng giảm dần. Những năm tới FPT sẽ phấn đấu xác lập vị thế trọng yếu của mình trong hệ thống thông tin quốc gia, đạt tổng doanh thu 2 tỷ USD.

Lãnh đạo FPT cùng cam kết thực hiện chiến lược toàn cầu hóa (Ảnh: Phương Tuyền/Gafin)
Lãnh đạo FPT cùng cam kết thực hiện chiến lược toàn cầu hóa
(Ảnh: Phương Tuyền/Gafin)

FPT quyết tâm đẩy mạnh toàn cầu hóa và lựa chọn xu thế phát triển cách mạng S.M.A.C bắt đầu từ năm 2012 với Social - Mạng xã hội, Mobile - Di động, Analytics - Phân tích dữ liệu lớn, Cloud - Điện toán đám mây.

Với định hướng toàn cầu hóa, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng nước ngoài đạt trên 30% mỗi năm (chưa tính tăng trưởng từ hoạt động M&A). Hai lĩnh vực chính được FPT tập trung đẩy mạnh là xuất khẩu phần mềm tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và cung cấp các giải pháp CNTT đã được FPT triển khai thành công tại thị trường trong nước ra các nước đang phát triển trong khu vực như Lào, Campuchia, Bangladesh,..

Ngoài ra, để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường và nhanh chóng mở rộng danh sách khách hàng, FPT sẽ tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty trong lĩnh vực dịch vụ CNTT tại một số thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật, châu Âu.

Phó Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương cho biết, mục tiêu mà FPT nhắm tới là các công ty Nhật Bản, Mỹ, Singapore với quy mô tài sản khoảng 20 triệu USD và doanh thu từ 10-30 triệu USD cung cấp dịch vụ IT cho các ngân hàng và các công ty tài chính.

FPT mong muốn trở thành tiên phong trong dịch vụ chuyển đổi công nghệ S.M.A.C và đạt 40 triệu USD doanh thu năm 2016.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software chia sẻ, FPT đã trở thành đối tác của hãng hàng không lớn nhất thế giới. FPT đã giúp hãng này 1 sản phẩm là ứng dụng trên nền tảng mobile triển khai trên thế giới, chứng tỏ năng lực cạnh tranh với những công ty hàng đầu thế giới của FPT.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về nguồn nhân lực cho toàn cầu hóa, Chủ tịch FPT chia sẻ nguồn nhân lực chính là vấn đề nhạy cảm nhất trong kế hoạch phát triển của tập đoàn. Hiện nay, con đường mà FPT lựa chọn là đào tạo hơn 1.000 "kỹ sư cầu nối" ngay tại Nhật, những kỹ sư CNTT có khả năng sử dụng tiếng Nhật chỉ sau 9 tháng đào tạo. Một trong những giải pháp khác được tính tới là nguồn nhân lực tới từ Ấn Độ, Philippines, Myanmar...

Cổ đông FPT cũng băn khoăn về khoản 50 triệu USD mà FPT dự kiến dành cho hoạt động M&A trong năm nay, trong khi Chủ tịch FPT khẳng định M&A là hoạt động "phải" làm của tập đoàn trong thời gian tới để thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh tại các thị trường lớn quan trọng như Singapore, Mỹ.

Bên lề đại hội, Phó Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương cho biết, FPT sẽ thông qua mối quan hệ của hai cổ đông nước ngoài mới là Temasek và GIC để hoạt động hiệu quả hơn tại các thị trường nước ngoài.

Năm 2013, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đạt 2.692 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 125 triệu USD và lợi nhuận 446 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012.

Tại Đại hội cổ đông FPT, lãnh đạo FPT đã chia sẻ một số nội dung thắc mắc của cổ đông về tình hình sản xuất kinh doanh năm vừa qua.

Theo , lĩnh vực nội dung số năm 2013 giảm là do tái cấu trúc doanh số thẻ và thanh toán trực tuyến. Doanh thu từ quảng cáo trên các trang tin tức vẫn tăng. Hiện nay, lĩnh vực games online đang tái cấu trúc mạnh mẽ và hy vọng doanh thu sẽ khả quan trong năm 2014.

Về ủy thác đầu tư, trước năm 2010 FPT có thực hiện đầu tư tài chính vào các công ty như trường Việt Úc, Everpia, Hoàng Anh Gia Lai... Ông Nguyễn Thế Phương cho biết, FPT sẽ không tập trung vào các khoản đầu tư tài chính nữa, và tìm cơ hội để rút vốn có lợi nhất trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về khoản đầu tư vào Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), ông Nguyễn Thế Phương cho biết, FPT đã trích lập dự phòng 40% từ năm 2012.

Về lĩnh vực truyền hình cáp, FPT đã được cấp giấy phép từ tháng 8/2013 và hiện đang tiến hành phát thử nghiệm tại Bình Dương. Tới 1/7, truyền hình cáp FPT sẽ được triển khai đại trà lại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh.

Nguồn Gafin


Sự kiện