Thứ Tư | 23/03/2016 09:24

FPT bán FPT Shop: Nomura (Nhật Bản) và Bản Việt sẽ tư vấn

Liên danh Công ty Chứng khoán Bản Việt và Công ty Chứng khoán Nomura (Nhật Bản) sẽ là nhà tư vấn cho thương vụ bán FPT Shop của FPT.

Thông tin chính thức từ FPT cho biết, hiện tại, FPT đã lý hợp đồng với liên danh gồm Công ty Chứng khoán Bản Việt và Công ty Chứng khoán Nomura (Nhật Bản) làm nhà tư vấn thực hiện thương vụ bán mảng bán lẻ và phân phối cho đối tác tiềm năng.

“Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn tất thực hiện thương vụ này trong năm 2016”, ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT nói và khẳng định, cơ hội đầu tư vào FPT Shop là bình đẳng cho các nhà đầu tư.

Thông tin FPT dự định bán mảng bán lẻ đã được ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn và ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT nhắc đến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015. Tuy nhiên, một năm qua, việc này chưa được xúc tiến và chỉ thực sự nóng lên trong thời gian gần đây, khi lãnh đạo của Thế giới Di động tiết lộ thông tin về việc có thể sẽ mua lại FPT Shop.

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận, bởi hiện tại, Thế giới Di động và FPT Shop là hai hệ thống bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam hiện nay trong phân phối các sản phẩm điện thoại, công nghệ…

Dư luận đồn đoán, sự yếu thế của FPT Shop trước Thế giới Di động khiến FPT đưa ra quyết định này.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư về việc bán FPT Shop đi có phải là sự “thừa nhận” cho thất bại của mình trong lĩnh vực bán lẻ không, ông Nguyễn Thế Phương khẳng định, hoạt động kinh doanh của mảng phân phối và bán lẻ của FPT đang rất tốt.

Theo ông Phương, mảng bán lẻ của FPT được thành lập năm 2012, chỉ sau 4 năm phát triển, FPT Shop đã trở thành hệ thống bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam, phủ sóng toàn quốc với 252 cửa hàng tại 63 tỉnh thành. Năm 2015, FPT Shop đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất Tập đoàn FPT, với doanh thu tăng 50% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế tăng 335%.

Hiện tại, mảng phân phối của FPT đã có trên 20 năm kinh nghiệm hoạt động, có hệ thống quản trị tốt và hệ thống trên 1.500 đại lý trải dài trên toàn quốc. FPT Trading là nhà phân phối của trên 30 hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới, luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường với thị phần cách biệt so với các đối thủ còn lại, và luôn duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) rất cao, năm 2015 đạt 46%.   

“Năm ngoái, theo chiến lược mà Chủ tịch HĐQT FPT đã chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, FPT sẽ thực hiện việc giảm sở hữu tại mảng Phân phối và Bán lẻ. Mục tiêu của việc này nhằm giúp FPT tăng cường đầu tư hơn nữa vào mảng cốt lõi là Công nghệ thông tin và Viễn thông để tận dụng được những cơ hội lớn đang có”, ông Phương khẳng định và cho rằng, chiến lược này cũng giúp FPT có thể tìm kiếm được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và quản trị quốc tế để cùng đẩy mạnh sự phát triển của mảng Phân phối và Bán lẻ, một mảng kinh doanh gần đây đang được sự quan tâm lớn nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Với câu trả lời này của ông Phương, có thể hiểu rằng, FPT sẽ chỉ thực hiện thương vụ M&A này để “giảm sở hữu” tại mảng Phân phối và Bán lẻ mà thôi!

Nguồn Đầu tư