Formosa không được ‘đẻ’ luật riêng!
Việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trang bị súng bắn tốc độ và cho phép lực lượng bảo vệ xử phạt tài xế chạy quá tốc độ do công ty quy định trong khu vực Dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang gây nhiều tranh luận.
Phạt tiền triệu nếu chạy quá tốc độ
Hiện nay Dự án Formosa đã xây dựng tường bao xung quanh dự án. Ở cổng ra vào đều có lực lượng bảo vệ canh gác nghiêm ngặt. Phía trong dự án, công ty đã xây dựng hạ tầng giao thông khang trang, đường sá rộng rãi. Tại các điểm giao cắt có đông người và phương tiện qua lại, công ty đều lắp đặt đèn tín hiệu giao thông.
Với mục đích đảm bảo ATGT, Công ty Formosa Hà Tĩnh đề ra quy định: Nếu tài xế chạy quá tốc độ tối đa do công ty quy định (30 km/giờ) thì lực lượng bảo vệ sẽ xử phạt. Cụ thể, tài xế ô tô chạy 31-51 km/giờ sẽ bị phạt 2 triệu đồng/lần. Chạy quá 51 km/giờ thì bị phạt 3 triệu đồng/lần. Ô tô nào vi phạm lần thứ tư trở lên bị phạt 3 triệu đồng/lần. Các nhân viên của công ty nếu bị phạt sẽ không được vào xưởng trong thời gian một năm.
Ngày 10-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thái Quốc Dương, Trưởng phòng Ngoại giao Công ty Formosa Hà Tĩnh, cho rằng: Đây là quy định nội bộ nhằm đảm bảo ATGT trong khuôn viên dự án. Quy định này áp dụng cho xe chạy nội bộ trong xưởng và xe ở ngoài có hợp đồng với công ty chở hàng ra vào khu vực dự án.
“Trước đây nhiều tài xế ô tô phóng nhanh trong khu vực dự án nên dễ gây tai nạn. Khi bảo vệ nhắc nhở thì họ cự cãi, do vậy công ty phải trang bị thiết bị bắn tốc độ và giao cho bảo vệ công ty xử phạt theo quy định của công ty” - ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, xe cộ lưu thông bên ngoài hàng rào thì phải chấp hành quy định luật giao thông của Việt Nam. Nhưng đây là khu vực nội bộ nên công ty cần có biện pháp mạnh để bảo vệ tính mạng cho công nhân.
Chưa xin phép cơ quan chức năng
Chúng tôi đặt câu hỏi: Khi trang bị súng bắn tốc độ và cho phép bảo vệ xử phạt giao thông, Công ty Formosa Hà Tĩnh có xin phép cơ quan chức năng ở Việt Nam chưa? Đại diện công ty trả lời: “Trong nhà của anh, anh muốn quy định thế nào phải xin phép hả? Căn cứ theo điều nào, khoản nào, luật nào phải thế hả? Nếu tài xế không chấp hành, không nộp phạt thì cấm nhập xưởng, không được vào công trường làm việc”.
Theo ông Phạm Trần Đệ, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Formosa Hà Tĩnh chưa báo cáo với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này. “Thực ra họ làm theo quy chế nội bộ của họ, làm trong khuôn viên công ty để đảm bảo ATGT thôi. Nếu họ áp dụng bên ngoài thì mới có chuyện chứ. Quan điểm của tôi là doanh nghiệp, cá nhân vẫn có thể đề ra quy chế nội bộ riêng, miễn rằng không trái đạo đức xã hội và pháp luật là được” - ông Đệ nói.
Ông Bùi Đức Đại, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, cũng cho rằng nếu Công ty Formosa Hà Tĩnh bắn tốc độ và xử phạt ngoài cổng công ty thì mới sai phạm. Còn trong nội bộ của công ty thì họ có quy định riêng của họ. Ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, cũng cho rằng “không vấn đề gì”.
Trong khi đó, Đại tá Võ Trọng Hùng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Đó là khu vực nội bộ của họ, đường do họ tự làm, chúng tôi không liên quan. Chúng tôi vào đó, họ không cho vào cũng không làm gì được. Việc họ đưa ra quy định xử phạt tôi cũng không biết vì không được vào nên làm sao biết được. Họ không xin phép chúng tôi”.
Không thể “đẻ” quy định riêng
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định: Công ty Formosa Hà Tĩnh không thể lấy lý do đảm bảo an toàn trên hệ thống đường tại KCN mà đặt ra “luật lệ” riêng cho mình. Bởi lẽ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, doanh nghiệp hay đại diện pháp luật của doanh nghiệp không phải là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt hành chính.
“Mặt khác, nếu tự đặt ra quy định thì căn cứ vào đâu để công ty đưa ra các trường hợp vi phạm cụ thể, cũng như việc áp dụng mức xử phạt? Nếu xảy ra tranh chấp thì ai đứng ra giải quyết khi doanh nghiệp này không hề có thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt? Số tiền nộp phạt do người “vi phạm” đóng sẽ nộp cho ai? Cho kho bạc nhà nước hay cho doanh nghiệp?” - luật sư Chánh băn khoăn.
Cũng theo luật sư Chánh, hiện quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt… trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng theo Nghị định 171/2013. “Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng chấn chỉnh và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh chấm dứt ngay hành vi vi phạm của mình. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông để đảm bảo ATGT trong các tuyến đường nội bộ của dự án”.
Tương tự, luật sư Khưu Thanh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định: Việc làm của Công ty Formosa Hà Tĩnh trái quy định của pháp luật. Bởi theo quy định hiện hành, chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thẩm quyền này cũng được áp dụng cho đường chuyên dụng trong các KCN (vì đây cũng là một trong sáu hệ thống đường bộ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013).
“Điều 73 Nghị định 171/2013 xác định rõ chỉ các cơ quan được phép xử phạt mới có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ” - luật sư Tâm lưu ý.
Nguồn Pháp luật TP.HCM