Formosa bị truy thu, truy hoàn thuế gần 2.000 tỉ đồng
Chỉ trong hai năm, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đã bị truy thu, truy hoàn hơn 2.000 tỉ đồng tiền thuế, trong đó truy hoàn 1.554 tỉ đồng do sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định.
Do vi phạm có tính hệ thống, Formosa đang trong tầm ngắm chống chuyển giá, trốn thuế.
Trong một công bố mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết vừa ra quyết định truy thu gần 5,5 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Formosa do đã kê khai, áp mã HS chưa đúng đối với một số mặt hàng trong giai đoạn 2010-2015.
Nâng khống giá trị công trình lên cả triệu USD
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Tiến Thành - trưởng phòng nghiệp vụ Cục Hải quan Hà Tĩnh - cho biết thời gian qua Formosa đã nhập khẩu rất nhiều máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định, phục vụ các hạng mục của dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh nhưng đã khai báo không trung thực về trị giá thiết bị nhập khẩu.
Trước đó, trong bản báo cáo gửi Tổng cục Hải quan, Cơ quan hải quan Hà Tĩnh đã nhấn mạnh nghi ngờ Formosa chuyển giá. Cụ thể vào tháng 10-2014, Formosa thuê Công ty TNHH tiếp vận SAS Vũng Áng mở tờ khai nhập máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, hóa đơn mà Công ty TNHH tiếp vận SAS lập có trị giá 348.659 USD, trong khi đó trị giá hóa đơn của nhà thầu nước ngoài phát hành lên tới hơn 1,42 triệu USD, chênh lệch tới hơn 1 triệu USD.
Sau khi bị hải quan Vũng Áng phát hiện và yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ giải trình, Formosa đã đề nghị hủy tờ khai của nhà thầu nước ngoài để thuê doanh nghiệp khác mở tờ khai mới có trị giá hàng hóa là 470.690 USD, thấp hơn so với trị giá hóa đơn nhà thầu nước ngoài gần 950.000 USD.
“Đây là dấu hiệu cho thấy có hiện tượng nâng giá máy móc thiết bị nhập khẩu nhằm nâng chi phí đầu vào của Formosa” - văn bản nhấn mạnh.
Một cán bộ thanh tra thuế cho rằng việc nâng khống giá trị thiết bị đầu tư công trình không nằm ngoài mục tiêu nâng giá trị khấu hao. Bởi giá trị khấu hao quá lớn, doanh nghiệp sẽ lỗ liên miên, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đây là một cách trốn thuế, thực tế doanh nghiệp lỗ giả mà lãi thật. Đặc biệt, theo vị này, giấy phép đầu tư của công ty này cũng có nhiều dấu hiệu không bình thường.
Chỉ trong 8 năm có mặt ở VN, Formosa thay đổi giấy chứng nhận đầu tư đến 14 lần với số vốn liên tục tăng. Từ con số 2,7 tỉ USD khi đặt chân vào VN năm 2008, hai năm sau số vốn đã tăng lên hơn 7,8 tỉ USD và đến giữa năm 2015, con số này được điều chỉnh tăng lên trên 10,5 tỉ USD.
Theo thanh tra thuế, việc điều chỉnh giá trị vốn đầu tư đặt ra nghi vấn công ty này đã nâng khống giá trị máy móc thiết bị nhập khẩu thông qua các nhà thầu nước ngoài.
Nhà máy Formosa Hà Tĩnh gần đi vào hoạt động khi một số hạng mục công trình đã hoàn thành - Ảnh: Văn Định |
Gần 20.000 hóa đơn hoàn thuế sai quy định
Cũng theo cơ quan thuế, từ năm 2013 đến nay hầu như đợt kiểm tra hoàn thuế GTGT nào tại Formosa cũng phát hiện sai phạm.
Cụ thể, trong đợt kiểm tra gần nhất vào cuối tháng 2-2016, cơ quan thuế phát hiện 19.497 hóa đơn mà Formosa đưa vào khấu trừ và hoàn thuế sai quy định. Do đó công ty này đã bị thu hồi 1.554,4 tỉ đồng.
Trước đó, trong đợt kiểm tra sau hoàn thuế GTGT các kỳ từ tháng 8 đến tháng 12-2013, cơ quan thuế đã truy thu 176,3 tỉ đồng thuế nhà thầu nước ngoài, do hợp đồng nhập khẩu kèm theo dịch vụ chưa được kê khai đầy đủ.
Đồng thời Formosa còn bị truy hoàn 7,6 tỉ đồng thuế GTGT do không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng tại thời điểm kiểm tra.
Kết quả kiểm tra hoàn thuế trong tháng 5-2015, Formosa bị phát hiện đã nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài và nâng giá trị hàng hóa nhập khẩu thi công công trình. Cơ quan thuế đề nghị Formosa giảm giá trị công trình hơn 4.000 tỉ đồng và thu hồi số tiền thuế đã hoàn 225 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Du - trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 thuộc Chi cục Thuế Hà Tĩnh - cho biết với hàng loạt sai phạm này, việc hoàn thuế đối với Formosa bị siết lại. Thay vì được hoàn trước kiểm sau, Formosa đã bị cơ quan thuế chuyển sang đối tượng phải thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau nhằm tránh gian lận.
Vốn đầu tư liên tục biến động: * Giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu tháng 6-2008 có 6 thành viên góp vốn với tổng mức đầu tư là 2,7 tỉ USD. * Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 ngày 29-3-2010 có 7 thành viên góp vốn với tổng vốn đầu tư là 7,879 tỉ USD. * Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 6 ngày 27-12-2012 có 8 thành viên góp vốn với tổng vốn đầu tư là 9,996 tỉ USD. * Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 12 ngày 20-4-2015 chuyển thành công ty TNHH một thành viên góp vốn là Công ty Formosa Ha Tinh Limited với tổng vốn đầu tư là 9,996 tỉ USD. * Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 14 ngày 30-6-2015, một thành viên góp vốn là Công ty Formosa Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư là 10,548 tỉ USD. |
Nguồn Tuổi trẻ