Các hãng thời trang ngoại đổ bộ vào Việt Nam khiến nhiều hãng thời trang nội điêu đứng. Ảnh: vietnamnet.
Foci ngày trở lại
Trở lại và hướng đến nhượng quyền
Theo chia sẻ của ông Hồ Thế Sơn, chủ thương hiệu thời trang Foci một thời, với các đối tác và bạn bè, ông có ý tưởng về mô hình kinh doanh mới từ năm 2013, sau khi chuỗi thời trang Foci do ông sáng lập “chết”. Ở thời điểm đỉnh cao, Foci từng có 112 cửa hàng ở Việt Nam, Campuchia và Mỹ.
Ông mong muốn tạo ra một mô hình kinh doanh không cần sử dụng mặt bằng để không phải chịu áp lực như những gì Foci từng trải qua. Đồng thời, mô hình đó cũng phải khai thác được thế mạnh của bản thân, đó là kinh nghiệm 23 năm làm trong ngành thời trang.
Ông cũng nhìn nhận, tại Hội An, có một nghề rất phát triển là nghề may veston. Từ đây, đã có không biết bao nhiêu bộ quần áo được cắt may bởi các nghệ nhân theo chân khách du lịch hay bằng đường bưu điện chuyển đi khắp thế giới.
Hồ Thế Sơn, nhà sáng lập Cultural Images, thời trang FOCI. Ảnh: Esquire Việt Nam. |
Năm 2018, sau thời gian dài đi nhiều nước khảo sát, tìm hiểu thị trường, ông Sơn quyết định triển khai dự án, thành lập công ty FAIFO International Franchise, lấy theo tên gọi cũ của Hội An. FAIFO cung cấp hệ thống nhượng quyền dịch vụ may đo các loại veston, thời trang công sở và đồng phục.
Theo đó, FAIFO sẽ nhượng quyền thương hiệu cho đối tác ở nước ngoài để những đơn vị này vận hành các công việc liên quan. Nhân viên đã được đào tạo tại Hội An sẽ đến tận nhà lấy số đo của khách hàng, chuyển thông tin về lại Hội An để các nghệ nhân tại đây cắt may rồi nhận thành phẩm và giao lại cho khách hàng, thực hiện chỉnh sửa nếu cần.
Trong trường hợp số lượng khách hàng đông, sẽ có ứng dụng trên điện thoại sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lấy số đo và chuyển thông tin về lại đầu Hội An để thực hiện. Mỗi đơn hàng sẽ chỉ mất từ vài ngày đển hai tuần, bao gồm cả việc may đo và vận chuyển.
Đa dạng mô hình kinh doanh
Ông Sơn chia sẻ với bạn bè và đối tác, điều ông tự tin nhất ở mô hình kinh doanh lần này là nền tảng sản xuất với việc tổ chức sản xuất ngay tại Hội An, nơi có đội ngũ nghệ nhân tay nghề cao. Hiện tại, FAIFO đang tập hợp được 100 nghệ nhân tham gia dự án, có thể sản xuất được 200 bộ veston mỗi ngày. Kỳ vọng của ông Sơn là các nghệ nhân sẽ đào tạo thêm nhiều lớp thợ để FAIFO có thêm nhiều nghệ nhân, phục vụ thị trường.
Hôm 24.3, FAIFO cũng đã chính thức ký kết hợp tác phát triển thị trường Canada với đối tác là Công ty FAIFO Canada để đơn vị này tự vận hành các cơ sở và dịch vụ may đo tại khu vực này.
Thị trường bán lẻ thời trang Việt Nam tương đối phân mảnh. Việt Tiến vẫn là chuỗi có nhiều điểm bán nhất với 467 cửa hàng cho tới tháng 3.2020. Ảnh: vietnambiz. |
Ông Mai Nguyễn, đại diện của FAIFO Canada cho biết, nhiều khách hàng ở Canada ưa thích những bộ veston được may đo. Tuy nhiên, việc phải chờ đợi hàng tháng trời, giá bán cao đang là những rào cản với nhiều người. Mô hình của FAIFO có thể đáp ứng phần nào những yêu cầu này với giá bán hợp lý và khách chỉ phải chờ đợi 2 tuần.
Được biết, ngoài Canada, FAIFO cũng đang đám phán hợp đồng nhượng quyền với đối tác đến từ Mỹ, Úc, Singapore và Thụy Điển. Bên cạnh đó, FAIFO cũng đang chuẩn bị mở các ki - ốt tại một số trung tâm thương mại ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...và cả dịch vụ tại nhà… để phục vụ khách hàng ở Việt Nam.
Cơn sóng khủng hoảng kinh tế 2008 và sự đổ bộ ồ ạt của dòng hàng casual Thái, Trung Quốc, và gần đây nhất là Zara, H&M, Uniqlo …đã làm cho nhiều hãng thời trang nội địa điêu đứng như, NinoMax, BlueExchange, PT2000, Việt Thy, N&M, Ha Gattini, Sẽnorita…còn Foci sau thời gian chuyển đổi mô hình cũng dần biến mất trên thị trường.