vietnamreport
FMCG tìm kiếm lợi nhuận
Ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng chậm lại trong quý II
Ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng mạnh nhất hai năm
Tiêu dùng nhanh (FMCG) là một trong những ngành hàng phát triển nhất ở Việt Nam hiện nay.
Ngày càng nhiều siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp cả nước - trở thành nhà phân phối hiệu quả cho các sản phẩm tiêu dùng nhanh. Lối sống hiện đại và công nghiệp hóa cũng thúc đẩy con người phải đi nhanh hơn, tiến mau hơn, bởi thế mà rất nhiều người khó có thể dành nhiều thời gian cho những hoạt động thường nhật như chế biến thức ăn, chăm coi nhà cửa.
Tuy nhiên, tại thị trường mới nổi như Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn để mở rộng quy mô phát triển.
Những bài toán “hóc búa”
Tuy kinh doanh với số lượng khổng lồ, sản phẩm được tiêu thụ, quay vòng nhanh chóng nhưng lợi nhuận trên từng sản phẩm tương đối thấp, các doanh nghiệp FMCG đang phải đối mặt với những bài toán “hóc búa” để kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận.
Bài toán khó giải nhất là “xử lí khéo” mối quan hệ giữa chất lượng, giá thành sản phẩm, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng. Chẳng hạn, hàng chất lượng cao, chất lượng quốc tế mà giá cả phải chăng, vừa túi tiền của đa số người muasẽ dễ dàng khiến họ nghi ngờ hàng hóa có thật mang “đẳng cấp” quốc tế hay không; còn nếu nâng mức giá lên cao sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức mua của người thu nhập trung bình và thấp - phân khúc thị trường chủ yếu ở Việt Nam hiện nay, và có thể gián tiếp tác động đến doanh thu của doanh nghiệp.
Mặt khác, đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhu cầu vốn để trữ hàng khá cao nên cũng đặt ra bài toán về nguồn lực tài chính. Mặc dù dự trữ hàng hóa giúp đáp ứng nhu cầu đầy đủ, đồng bộ, liên tục của khách hàng, tiết kiệm phí khấu hao khi tăng nhanh vòng quay hàng hóa, nhưng doanh nghiệp cũng đồng thời phải trả một khoản chi phí lưu kho nhất định (chi phí thuê kho, chi phí sử dụng thiết bị và phương tiện, chi phí về nhân lực cho hoạt động quản lí dự trữ, phí tổn cho việc đầu tư vào hàng dự trữ, phí cho thiệt hại... ). Nếu số hàng này không còn được thị trường đón nhận, đây có thể là một rủi ro lỗ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là việc làm sao cân bằng giữa quảng bá thương hiệu và phát triển mạng lưới phân phối bao phủ khắp cả nước. Xây dựng mạng lưới phân phối cho hàng tiêu dùng nhanh là việc làm thiết yếu và tốn chi phí không kém so với đầu tư vào quảng bá thương hiệu (vốn cũng rất cầntiền). Với những gói đầu tư ban đầu lên đến vài triệu đô, rất nhiều doanh nghiệp đã cố gắng hết sức, hoặc theo cách truyền thống hoặc mở những lối đi riêng, để phát triển hệ thống phân phối hàng tiêu dùng đang có.
Cơ hội sinh lời: Vẫn có!
Nhờ mức tiêu thụ còn thấp của thị trường Việt, có thể nói ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn có cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư. Quan trọng là mỗi doanh nghiệp trên thương trường phải đưa ra được những chiến lược sinh lời phù hợp.
Khảo sát các doanh nghiệp Profit500 (500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất) của Vietnam Report mới đây cho thấy, tăng doanh thu bán hàng và giảm chi phí vẫn là những chiến lược ưu tiên mà các doanh nghiệp hướng đến để tăng trưởng lợi nhuận trong vòng 12 tháng tới.
Những chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp để tăng trưởng lợi nhuận trong 12 tháng tới. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp Profit500 do Vietnam Report thực hiện tháng 10/2017. |
Theo báo cáo của Nielsen, có nhiều cách để ngành FMCG tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận dựa trên chiến lược định giá. Căn cứ vào kết quả khảo sát, đa số người tiêu dùng sẽ lựa chọn các sản phẩm có kích cỡ lớn hơn nhưng giá thấp hơn cho mỗi lần sử dụng (29%), kế đến họ sẽ chọn các dòng sản phẩm mới được giới thiệu với kích cỡ nhỏ hơn và giá thấp nhất (16%). Bản thân doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như năng lực chế biến...
Mặt khác, với thu nhập tăng, chất lượng đời sống được cải thiện, người tiêu dùng Việt hiện không còn hài lòng với những nhu cầu tối thiểu “ăn no, mặc lành” nữa, mà dần có nhu cầu về “ăn ngon, mặc đẹp, xài sang”. Thực tế, các sản phẩm hay ngành hàng dán nhãn “không tốt cho sức khỏe” và “bất tiện” đang mất dần khách hàng, trong khi những sản phẩm đáp ứng nhu cầu về sức khỏe và tính tiện lợi tốt hơn trở thành lựa chọn ưu tiên đối với phần lớn người tiêu dùng, như nước uống đóng chai, nước ép trái cây, sản phẩm hữu cơ…
Nắm bắt tâm lí người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm mua sắm và chất lượng phục vụ khách hàng, mua các sản phẩm sạch, những công ty FMCG hoàn toàn có thể đưa sản phẩm mới ra thị trường, đáp ứng nhóm đối tượng tiêu dùng khác nhau, với giá cả hợp lí và chất lượng không “nói quá”. Điều dễ nhận thấy là ở phân khúc thị trường cao cấp, cạnh tranh về giá ít hơn và khách hàng trung thành hơn với thương hiệu. Đây là cơ hội để các công ty tăng trưởng doanh thu bởi giá trị hàng hóa gia tăng, đồng thời tăng lợi nhuận vì các sản phẩm cao cấp thường có biên lợi nhuận cao hơn.
Bài toán về nguồn lực tài chính cho ngành FMCG cũng đã có một hướng giải quyết, ví dụ Ngân hàng Techcombank đã xây dựng và triển khai giải pháp tài chính toàn diện để đáp ứng nhu cầu vốn cho ngành hàng đặc biệt này. Nếu Nhà nước quan tâm đến phát triển ngành FMCG, có thể cân nhắc xây dựng khung chính sách cho doanh nghiệp Việt vay ưu đãi.
Với bài toán quảng bá thương hiệu và phát triển mạng lưới phân phối, cơ hội tuyệt vời cho doanh nghiệp FMCG là thị trường 60% dân số Việt Nam sống ở nông thôn đang đợi khai thác. Người tiêu dùng nông thôn Việt cũng bắt đầu mong muốn được trải nghiệm và sẵn sàng chi trả cho hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp FMCG đưa sản phẩm của mình về thị trường đầy tiềm năng này và có được những hiệu quả đầu tư tối ưu nhất.
Ngoài ra, phân phối sản phẩm như thế nào để tối ưu hóa hiệu quả cũng không còn quá khó khăn. Nhờ vào sự phát triển liên tục của các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và kênh tiếp thị online, bên cạnh các siêu thị hiện đại, siêu thị lớn đang dần phục hồi ở thành thị và các cửa hàng bách hóa, cửa hàng chuyên doanh mọc lên khắp vùng nông thôn, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn tiện ích hơn cho việc mua sắm của mình.
Đặc biệt, trong thời đại của công nghệ số như hiện nay, đã đến lúc các doanh nghiệp FMCG cần phải tập trung vào nguồn tăng trưởng mới - người tiêu dùng kết nối (Connected Spenders), những người thường xuyên kết nối với Internet và đồng thời là những người có mức sẵn sàng chi tiêu khá cao.
Ở Việt Nam, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người với mức tiêu 50 tỷ USD; tuy nhiên, con số này được dự đoán sẽ tăng gần như gấp đôi, đạt 40 triệu người với mức tiêu dùng lên đến 99 tỷ USD trong năm 2025, khi đang có ngày càng nhiều người có điều kiện tiếp xúc với thị trường, hàng hóa thông qua Internet. Với người tiêu dùng kết nối, sử dụng các công nghệ và cách thức quảng cáo, marketing kỹ thuật số, doanh nghiệp FMCG sẽ quảng bá được thương hiệu với chi phí thấp hơn, do đó giúptăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.
Nguồn vietnamreport