Fitch: VAMC khó giải quyết triệt để nợ xấu
Theo Fitch, nếu không có thêm nguồn vốn mới, khả năng tái cấu trúc và hỗ trợ kinh tế của các ngân hàng sẽ bị hạn chế. “Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng của Việt Nam vẫn đối mặt với rủi ro mất vốn sau khi bán lại nợ xấu cho VAMC”, Fitch nhận định. Điều này là bởi vì các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt do chính phủ bảo lãnh này, hay đồng nghĩa VAMC chỉ kéo dài thời gian để các ngân hàng bù đắp thua lỗ.
Ngân hàng không được bơm thêm vốn, nợ chính phủ sẽ không tăng nhưng vẫn có thể phát sinh hệ quả nếu việc giải quyết nợ xấu thất bại hoặc chậm giải quyết nợ xấu làm hạn chế khả năng hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng.
Fitch cho rằng, một giải pháp khác có thể thay thế VAMC đó là tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng nhưng có thể sẽ tốn kém hơn.
Theo đánh giá của Fitch, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có thể cao gấp 3-4 lần so với số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Báo cáo của NHNN cho biết, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là 8,8% tính đến cuối tháng 9/2012. Nếu tỷ nợ xấu cao hơn, vào khoảng 15%, thì chi phí tái cấp vốn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể lên tới 10% GDP năm 2013 với giả định tỷ lệ vốn cấp 1 là 12%, Fitch ước tính.
Nguồn Reuters/Dân Việt