nineoclock.ro
Fitch: Tăng trưởng tín dụng nhanh ở Việt Nam có thể gây ra làn sóng vỡ nợ
Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm tăng tốc độ giải quyết nợ xấu có thể giúp giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản, vốn đang tạo áp lực nặng nề lên các ngân hàng. Nhưng theo Fitch đánh giá thì trong ngắn hạn, những nỗ lực này chưa tạo ra hiệu quả đáng kể do các khó khăn trong việc thực thi. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng nhanh tiếp tục làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Có hiệu lực từ tháng 8, Nghị quyết 42 có thể loại bỏ một số trở ngại pháp lý để giải quyết các khoản nợ xấu một cách hiệu quả. Nghị quyết này cho phép các ngân hàng chủ động tịch thu tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu, mà không cần phải chờ phán quyết của tòa án như trước đây. Nghị định này cũng giúp đẩy mạnh việc mua bán nợ xấu trong thị trường thứ cấp. Nợ xấu bây giờ có thể được bán cho bất kỳ pháp nhân, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, mà không cần giấy phép kinh doanh nợ.
Nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể làm tăng nguồn vốn để giải quyết nợ xấu. Việt Nam là một một trong những nước có dòng chảy FDI ròng mạnh nhất Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2016, chiếm 5,6% GDP. Tuy nhiên, việc bán lại nợ cho khối ngoại vẫn có thể bị cản trở do thủ tục hiện tại khá phức tạp, bao gồm cả những hạn chế về việc nắm giữ tài sản của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong dài hạn, một cơ chế giải quyết nợ xấu có hiệu quả hơn có thể giúp các ngân hàng giảm thiểu các vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản, vốn có ảnh hưởng đến thu nhập và lợi nhuận của họ. Theo báo cáo chính thức, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống là 2,55% vào cuối tháng 3 năm 2017, nhưng con số này không tính đến khoản nợ xấu mà các ngân hàng đã bán cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Việc bán nợ xấu cho VAMC giúp các ngân hàng kiềm chế nợ xấu dưới mức 3%, và tránh được những hạn chế mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ áp dụng khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên trên 3%. Theo Fitch, sự không nhất quán trong việc công bố và việc phân loại nợ mang tính chủ quan có nghĩa là tỷ lệ nợ xấu thực sự có thể cao hơn.
Việc đẩy nhanh giải quyết nợ xấu cũng có thể làm giảm gánh nặng chi phí của các ngân hàng. Điều này sẽ giúp cải thiện hệ thống ngân hàng Việt Nam, vốn sẽ đồng loạt áp dụng Basel II vào tháng 1/2020. Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) mà các ngân hàng công bố vẫn đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, nhưng theo Fitch tỷ lệ này không phản ánh nợ xấu thực sự trong ngành ngân hàng. IMF ước tính rằng việc áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn của Basel II sẽ làm giảm CAR của các ngân hàng khoảng 200 – 400 điểm cơ bản.
Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng theo tính toán của Fitch. Màu xanh dương là tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng công bố, màu xanh lá cây là tỷ lệ nợ cần chú ý, và màu xanh dương nhạt là các khoản nợ đã bán cho VAMC. Ảnh: Fitch |
Theo Fitch, quá trình giải quyết nợ xấu cũng sẽ có thể bị ảnh hưởng do việc tăng trưởng tín dụng nhanh chóng. NHNN đã đưa ra một thông điệp với hệ thống ngân hàng rằng cơ quan này cho phép tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2017 là 17-18%, và có người cho rằng con số này có thể lên đến 21% -22% để giúp chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ là 5,9%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Trong tháng 7, NHNN cũng cắt giảm lãi suất cơ bản từ 6,5% xuống còn 6% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản hiện tại của ngành ngân hàng là bắt nguồn từ tăng trưởng tín dụng nhanh và các tiêu chuẩn cho vay dễ dãi trong những năm 2000. Rủi ro đã gia tăng trong những năm 2011-13 và gây ra căng thẳng đáng kể trong lĩnh vực tài chính. Việc kích thích tăng trưởng tín dụng nhanh một lần nữa để đạt được các mục tiêu tăng trưởng có thể lại làm gia tăng nợ xấu và kéo theo vỡ nợ.
Bá Ước
Nguồn Fitch Ratings