Thứ Hai | 03/11/2014 15:59

Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam với triển vọng ổn định

Fitch cho rằng mức độ ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.


Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng xếp hạng của Việt Nam thêm 1 bậc. Theo đó, xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam được nâng từ B+ lên BB-. Triển vọng xếp hạng từ tích cực sang ổn định. Xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ ngắn hạn được duy trì ở mức B.

Xếp hạng phát hành trái phiếu không đảm bảo bằng nội tệ và ngoại tệ có độ ưu tiên cao cũng được nâng từ B+ lên BB-.

Trần xếp hạng tín nhiệm được nâng từ B+ lên BB-.

Fitch cho biết, việc nâng xếp hạng phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn phản ánh ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện với các chính sách đều hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt tiền tệ, khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại với mục tiêu 12% trong năm nay thay vì 32% như năm 2010.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn tương đối mạnh, trung bình đạt 5,6%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của các nước nhóm xếp hạng BB là 3,7%. Lạm phát tính đến tháng 10 tăng chậm lại ở mức 3,2%, so với 6,6% năm 2013.

Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia cùng nhóm xếp hạng, và điều này tác động tích cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Theo Fitch, ổn định kinh tế vĩ mô đã đóng góp quan trọng giúp tài khoản vãng lai của Việt Nam chuyển từ thâm hụt 3,7% GDP năm 2010 sang thặng dư 4,1% GDP năm 2014. Việt Nam đang hướng đến năm thứ 4 thặng dư thương mại liên tiếp do xuất khẩu tăng trưởng mạnh và lượng kiều hối lớn.

Mặt khác, Fitch cho rằng, nợ công của Việt Nam vẫn cao so với các nước cùng nhóm. Thâm hụt tài khóa và bộ chi sẽ khiến nợ chính phủ năm 2014 của Việt Nam ước tính lên 44% GDP (so với mức trung bình 39% của các nước cùng nhóm).

Các quyết sách tài khóa mới đây như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP. Fitch cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có khung tài khóa trung và dài hạn chính thức mặc dù giới hoạch định đã đưa ra những mục tiêu chính sách rõ ràng như giảm thâm hụt ngân sách từ nay đến 2020 và tuân thủ trần nợ trên GDP là 65%.

Theo DVO/Fitch