Thứ Hai | 30/09/2013 14:56

Fitch: Kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và đứng vững trước biến động tài chính toàn cầu

Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm đang ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và tín nhiệm của Việt Nam.
Theo Fitch, xu hướng ổn định vĩ mô là nhờ hiệu quả quản lý chính sách tài khóa và tiền tệ. Điều này thể hiện rõ qua việc cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư và lạm phát được kiểm soát ở mức 1 con số.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP có thể thoát đáy với mức tăng trưởng trong quý III khoảng 5,5%, so với 4,9% trong nửa đầu năm. Hơn nữa, xu hướng ổn định vĩ mô không bị ảnh hưởng bởi biến động tài chính toàn cầu như các nền kinh tế khác trong khu vực. Ở Ấn Độ và Indonesia, nội tệ bị ảnh hưởng mạnh bởi những biến động đó, buộc chính phủ phải thắt chặt chính sách.

Một lý do nữa giúp Việt Nam đạt được ổn định tài chính đó là cán cân tài khoản vãng lai bắt đầu thặng dư kể từ năm 2011, giúp dự trữ ngoại tệ tăng lên khoảng 27 tỷ USD tính đến cuối tháng 5 vừa qua hay tương đương 2,7 tháng nhập khẩu.

Một lý do khác đó là Việt Nam ít phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư biến động mạnh thời gian qua khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu giảm quy mô nới lỏng tiền tệ.

Cuối cùng, xu hướng tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giúp tăng cường cán cân thanh toán của Việt Nam. Kể từ đầu năm đến nay, FDI của Việt Nam tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam thường thu hút nhiều vốn FDI (tỷ lệ trên tổng GDP) hơn các nền kinh tế ngang hàng, điều này góp phần vào sự dịch chuyển cơ cấu của lĩnh vực xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, Fitch vẫn hoài nghi về khả năng Việt Nam có thể lấy lại đà tăng trưởng 7% như thập kỷ trước. Fitch đưa ra 2 lý do chính.

Thứ nhất, hệ thống ngân hàng vẫn bị đè nặng bởi nợ xấu. Fitch cho rằng, sự ra đời của công ty mua bán nợ xấu (VAMC) không thể giải quyết đáng kể và nhanh chóng nợ xấu để cải thiện lĩnh vực ngân hàng trong một sớm một chiều. Theo Fitch, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng như Thủ tướng đề cập có thể giúp Việt Nam tăng cường nguồn vốn và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, hiện thời gian và chi tiết của kế hoạch nới room này vẫn chưa rõ ràng.

Thứ hai là, tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng mạnh tín dụng với tỷ lệ tín dụng tư nhân/GDP 95% tính đến cuối 2012. Thêm vào đó , các doanh nghiệp nhà nước thiếu cải cách và nợ nhiều vẫn đóng vai trò chiến lược.

Do đó, tốc độ tái cơ cấu và giảm đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp nhà nước nếu chưa được đẩy mạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và gây rủi ro đối với xếp hạng tín nhiệm B+ và triển vọng ổn định của Việt Nam.

Nguồn Reuters/Dân Việt


Sự kiện