Thứ Hai | 12/10/2015 11:30

Fitch: Hiệp định TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn ở Việt Nam

Theo công ty đánh giá tín dụng Fitch, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng kinh tế, đầu tư và xuất khẩu mạnh mẽ trong dài hạn nhờ có TPP.

Theo Fitch Ratings, trong số 12 quốc gia tham gia hiệp định, Việt Nam sẽ là quốc gia nhận được nhiều lợi ích nhất về mặt kinh tế. 

Theo ước tính của một nghiên cứu do 3 nhà kinh tế học Petri, Plummer and Zhai thực hiện, đến năm 2025, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 10% từ ảnh hưởng tích cực của TPP.

Hiệp định tự do thương mại này sẽ dỡ bỏ hàng loạt hàng rào thuế quan, cho phép hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với những thị trường lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Canada và Australia. Các quốc gia tham gia TPP đã chiếm tới 39% tổng giá trị xuất khẩu và 23% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam năm 2014. 

Theo ước tính, TPP sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thêm hơn 37% trong giai đoạn 10 năm đến năm 2025. Đáng chú ý hơn là tháng 8 vừa qua, Việt Nam cũng đã thống nhất các điều khoản trong một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Như vậy, Việt Nam đã có các thỏa thuận  tự do thương mại với 3 trong số 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình: Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

​Việt Nam hiện đang được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng GDP cao và dòng vốn FDI ổn định. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt 6.5% trong ba quý đầu năm 2015. Nền kinh tế vĩ mô ổn định là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được xếp hạng “BB-“ trong năm 2014.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách lớn và nợ công cao vẫn sẽ tiếp tục là những thách thức với Việt Nam. Fitch ước tính rằng tổng thâm hụt ngân sách sẽ đạt 6,9% GDP trong năm 2015 so với con số 6,1% năm 2014. Nợ công đã chiếm 45% GDP. 

Nguồn thu từ ngoại tệ vẫn là một thế mạnh của Việt Nam trong những năm gần đây, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2015 đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu và siết chặt các tài khoản thương mại. Fitch dự đoán điều này sẽ kéo thặng dư tài khoản vãng lai từ 5% năm 2014 xuống còn dưới 1% năm 2015.

Những rủi ro khi thực hiện TPP cũng rất đáng kể khi hiệp định này đang trong quá trình chờ được các cơ quan lập pháp quốc gia phê chuẩn. Phe đối lập tại Quốc hội Mỹ và những ứng viên tổng thống đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua bầu cử năm 2016 có thể phản đối hoặc trì hoãn việc thông qua hiệp định. 

Quá trình phê duyệt hiệp định có thể sẽ thuận lợi hơn ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng sẽ nảy sinh những khó khăn trong việc cải cách cơ cấu ở một vài lĩnh vực./.

Nguồn Vietnam+