Fitch dự báo kinh tế Việt Nam 2012 tăng 5,9%
Dưới đây là bài phỏng vấn Giám đốc của Fitch Ratings khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Art Woo, xung quanh chủ đề trên.
Thưa ông, trước những khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp trong nước, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết 13 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường. Ông nhận định như thế nào về động thái này của Chính phủ Việt Nam?
Ông Art Woo: Chúng tôi cũng đã tìm hiểu kỹ về Nghị quyết 13 của Chính phủ Việt Nam ra ngày thứ 6 tuần trước. Chúng tôi thực sự đánh giá cao động thái mang tính quyết liệt này của Chính phủ Việt Nam. Việc GDP quý 1 chỉ tăng khoảng 4% là thấp hơn hẳn so với cùng kỳ. Các số liệu về xuất nhập khẩu, hay sản xuất, đặc biệt là số lượng tồn kho lớn của doanh nghiệp Việt Nam đang là những thách thức lớn của nền kinh tế.
Chính vì vậy, những hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn lúc này là thực sự cần thiết. Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như hoãn, giảm thuế thực sự mang tính thiết thực cho các doanh nghiệp đang khó khăn về vốn, khó tiêu thụ về sản phẩm.
Chúng tôi cũng sẽ còn theo dõi sát sao và đánh giá thực tế những tác động của Nghị quyết 13 đến nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, hy vọng Việt Nam sẽ thành công giống như những gì đã triển khai trong Nghị quyết 11. Và Nghị quyết 13, theo như chúng tôi hiểu thì thực ra đó vẫn là những biện pháp tiếp theo của Nghị quyết 1.
Vậy ông đánh giá thế nào về cách kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian gần đây của Việt Nam?
Thâm hụt ngân sách của Việt Nam tính bình quân trong giai đoạnh từ 2007 -2011 là khoảng 4,8% của GDP. Như vậy, so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, rồi Thái Lan thì thâm hụt ngân sách của Việt Nam vào loại cao nhất. Chính vì thế chính sách tài khóa không thể thả lỏng và cũng không thể tự một mình phát huy được hiệu quả.
Ở chiều khác thì cũng tương tự. Chính sách tiền tệ cũng đang làm hết công lực, bằng mọi cách giảm được lãi suất cho vay cho doanh nghiệp. Song nó cũng sẽ không thể phát huy hết tác dụng nếu không có sự hỗ trợ của chính sách tài khóa.
Chính vì thế, việc kết hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Chính phủ Việt Nam lúc này là một bước đi hợp lý. Có như thế, doanh nghiệp mới dễ dàng được tiếp nhận được nguồn tín dụng từ nhiều phía, chứ không chỉ lấy vốn từ hệ thống ngân hàng.
Chúng tôi cũng cho rằng việc hạ lãi suất quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như thời gian qua là một sự ứng phó về mặt chính sách thích hợp trước sự giảm tốc của nền kinh tế và sự hạ nhiệt của lạm phát.
Vậy ông dự đoán như thế nào về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong năm nay và mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung?
Chúng tôi cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong năm nay sẽ quanh mức 10%, và tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 5,9%.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ đặc biệt theo dõi những tác động từ các chính sách vĩ mô gần đây tới nền kinh tế. Song chúng tôi cũng tin rằng, triển vọng ổn định sẽ tiếp tục được dành cho Việt Nam trong các lần đánh giá tiếp theo.
Nguồn NDH Money