Thứ Tư | 18/11/2015 09:13

Financial Times: Tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam còn nhiều điều phải bàn

Theo đánh giá của trung tâm nghiên cứu Financial Times, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể đang cao hơn nhiều so với số liệu chính thức.

Theo báo Financial Times của Anh đưa tin, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam  có nhiều khả năng đang cao hơn con số mà Ngân hàng Nhà nước công bố.

Theo số liệu chính thức từ NHNN, tỷ lệ nợ không có khả năng thanh toán (NPLs)/tổng tín dụng trong tháng 9 đạt mức 2,9%, giảm đáng kể so với mức 4,2% tại thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Để có được kết quả này, NHNN đã và đang tái cấu trúc bằng cách sáp nhập các ngân hàng yếu kém trong hệ thống hay mua lại những ngân hàng này với giá 0 đồng, điều chưa từng có trong tiền lệ. Với biện pháp này, số lượng ngân hàng đã giảm đáng kể trong vòng 2 năm. Tới cuối năm 2014, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam có 42 ngân hàng nội địa với số vốn đăng ký là 325 nghìn tỷ đồng, tăng 261,11% so với thời điểm cách đây 7 năm về trước.

Thêm vào đó, sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã góp phần không nhỏ trong việc tái cơ cấu các khoản nợ xấu trong hệ thống tài chính. Theo số liệu VAMC công bố cho biết tính đến ngày 25/10/2015, VCMC đã mua được 226.028 tỷ đồng nợ xấu của 39 Tổ chức tín dụng với giá mua là 191.806 tỷ đồng. Trong đó, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 16.277 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/bán TSBĐ…) từ các khoản nợ xấu mua về.

Theo quy trình, VAMC sẽ mua lại các khoản nợ xấu của các TCTD và thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt cho các tổ chức này, đồng thời phối hợp với các TCTD cơ cấu nợ, gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp. Sau khi mua nợ xấu về, VAMC sẽ tập trung vào việc xử lý nợ thông qua việc bán nợ, bán tài sản hay phát mại tài sản theo thông tư 18 của Bộ tư Pháp...

Riêng đối với các TCTD bán nợ cho VAMC, trong quá trình này các TCTD vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng và theo dõi ngoại bảng khoản nợ này. Vì về lý thuyết nếu sau 5 năm VAMC không xử lý được khoản nợ xấu trên thì khoản nợ này sẽ bị trả về cho ngân hàng.

Theo đó, điều này sẽ giúp các ngân hàng làm đẹp hơn báo cáo tài chính, khi những khoản nợ xấu này sẽ được theo dõi ngoại bảng thay vì được thể hiện trên báo cáo tài chính.

Theo đánh giá của trung tâm nghiên cứu độc lập của Financial Times (FTCR), với cách làm này thì gốc rễ của vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Có chăng, những khoản nợ này đang được làm màu để chuyển từ bảng cân đối kế toán này sang bảng cân đối kế toán khác, và vấn đề nợ xấu vẫn còn đấy trừ khi VAMC xử lý tốt những khoản nợ xấu này. 

Financial Times: Ty le no xau tai Viet Nam con nhieu dieu phai ban
Tỷ lệ nợ xấu do các tổ chức quốc tế thế giới ước tính (hồng nhạt) cao hơn rất nhiều lần con số chính phủ công bố (hồng đậm) - Ảnh:FT

Trong năm 2014, các cơ quan xếp hạng trên thế giới đã đưa ra con số ước tính rằng tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam đang ở mức khoảng 15%. Như vậy, có sự chênh lệch đáng kể  trong số liệu giữa các cơ quan chính phủ và các tổ chức xếp hạng trên thế giới.

Quay trở lại những năm đầu 2000 để tìm hiểu sâu hơn về gốc rễ của những vấn đề này cho thấy nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Tại thời điểm đó, tăng trưởng tín dụng trung bình hàng năm đang ở mức đáng báo động, trên 25% một năm.

Trong đó, phần lớn các dòng vốn tín dụng chủ yếu được rót vào hệ thống các doanh nghiệp nhà nước (SOEs), vốn đang chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Những khoản tín dụng cho các doanh nghiệp này vẫn đang chiếm từ khoảng 60-70% tổng dự nợ tín dụng của toàn hệ thống.

Nên khi một số doanh nghiệp nhà nước này làm ăn không hiệu quả thì hậu quả là nền kinh tế phải gánh chịu những khoản nợ xấu khổng lồ, đặc biệt là trong ngành bất động sản. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp nhà nước thường có phạm vi kinh doanh rộng khắp từ khai khoáng cho đến dịch vụ khách sạn, nên tình trạng thiếu sự minh bạch gây trở ngại cho việc ước tính một cách chính xác những số liệu đưa ra.

Tuệ Nghi

Nguồn FT