FDI vào Việt Nam tăng gấp 3 lần năm 2013
FDI vào Việt Nam năm 2013 tăng 3 lần lên 15,31 tỷ USD từ 5,34 tỷ USD năm 2012, chủ yếu nhờ việc Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, chính sách thị trường mở tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Mức tăng trưởng này đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng trong nhóm 10 nước thu hút FDI lớn nhất năm 2013 tại châu Á-Thái Bình Dương với tỷ trọng 8,29% tổng FDI vào khu vực, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguồn: fDi Markets |
Năm 2012, trong bảng xếp hạng 10 điểm đến lớn nhất của FDI tại châu Á-Thái Bình Dương, xếp theo số dự án, Việt Nam xếp thứ 8 với 143 dự án.
Theo số liệu chính thức của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng thêm năm 2013 là 22,35 tỷ USD, tăng 35,9% so với năm 2012.
Cũng theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 31/12/2013, Việt Nam có 1.530 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 14,48 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2012.
Trong 1.530 dự án cấp mới năm 2013, có 5 dự án cấp mới trên 1 tỷ USD, chiếm tới 53,5% vốn đầu tư cấp mới của năm. Còn lại 47,5% vốn đầu tư là những dự án có quy mô vốn vừa và nhỏ, trong đó dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD chỉ chiếm 9% số dự án và 35% vốn đầu tư.
Nhật Bản vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,875 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Tiếp đến là Singapore, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,76 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,46 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn đầu tư đăng ký.
FDI vào Myanmar tăng từ 1,54 tỷ USD năm 2012 lên 13,22 tỷ USD năm 2013, chiếm 7,16% tỷ trọng tổng vốn đầu tư vào châu Á-Thái Bình Dương, đưa nước này lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng nhóm 10 nước thu hút FDI lớn nhất trong khu vực. Đây là kết quả tích cực của công cuộc cải cách kinh tế và chính trị tại nước này sau cuộc cử dân chủ năm 2010.
Vốn đầu tư vào Ấn Độ giảm ½ trong năm 2013, nhưng đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng 10 nước thu hút FDI lớn nhất với tỷ trọng 8,57%, chỉ sau Trung Quốc.
Trái ngược với Ấn Độ, năm 2013, Nhật Bản chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của nguồn vốn FDI từ 3,84 tỷ USD năm 2012 lên 8,91 tỷ USD, chiếm 4,83% tỷ trọng toàn bộ FDI trong khu vực.
Than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là những lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất trong khu vực, tăng 2 lần trong năm 2013 từ 13,23 tỷ USD năm 2012 lên 24,89 tỷ USD.
Châu Á-Thái Bình Dương đã thu hút các siêu dự án kể cả khoản đầu tư vào nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trị giá 9,85 tỷ USD của liên doanh gồm Mitsubishi, Electricity Generating và Italia-Thái Lan Development trụ sở tại Thái Lan.
Đáng chú ý là Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, một dự án trọng điểm của Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, cũng là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, do Công ty Dầu mỏ quốc tế Kuwait - KPI, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Idemitsu Kosan, Mitsui Chemicals (Nhật Bản) và các tổ chức tài chính quốc tế đầu tư. Với tổ hợp nhà thầu quốc tế có kinh nghiệm, đứng đầu là công ty JGC (Nhật Bản), dự án sẽ được xây dựng trong khoảng 4 năm.
5 nhóm ngành quan trọng khác – bất động sản; khách sạn và du lịch; thương mại và dịch vụ tài chính; phương tiện giao thông và hóa chất; chất dẻo và cao su – chứng kiến sự sụt giảm ở mức độ khác nhau trong thu hút FDI năm 2013, trong đó FDI vào lĩnh vực thương mại và dịch vụ tài chính sụt giảm mạnh nhất, lên đến 21,69%.
Nguồn Theo DVO/Gafin/fDi