FDI vào Việt Nam có thể phục hồi mạnh nhờ FTA với EU
Những tiến bộ sớm đạt được trong đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam sẽ thúc đẩy sự quan tâm của các công ty từ 27 nước thành viên EU đối với Việt Nam ngay cả khi thỏa thuận chưa được ký kết, Đại sứ Franz Jessen, người đứng đầu phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Sự quan tâm của các doanh nghiệp EU có thể ngăn đà sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam diễn ra từ năm 2008. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và Chính phủ thực hiện các biện phát kiềm chế lạm phát, FDI cam kết dành cho Việt Nam giảm 26% trong năm 2011 so với năm 2010 và giảm 32% trong 5 tháng đầu năm 2012, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 4% trong quý I, chậm nhất từ năm 2009.
"Ấn tượng của tôi là Chính phủ Việt Nam rất lo ngại về xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm" và FTA có thể đảo ngược xu hướng đó, bởi "nếu đàm phán tiến triển, các công ty sẽ nhanh chóng điều chỉnh hướng đầu tư", Đại sứ Jessen cho biết.
Cao ủy Thương mại EU cũng hy vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng với Việt Nam trước tháng 10/2014.
EU là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam, với cam kết 1,77 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng FDI trong năm 2011. Nhà sản xuất xe tay ga Italia Piaggio & C. SpA (PIA) và công ty điện thoại di động Phần Lan Nokia OYJ (NOK1V) là một trong những công ty châu Âu đang đầu tư vào cơ sở sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.
Cuộc đàm phán FTA sẽ bao gồm các điều kiện đầu tư tại Việt Nam, với tính minh bạch trong môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định đối với các công ty. "Các công ty châu Âu có nghĩa vụ hoạt động theo hướng dẫn nghiêm ngặt về tham nhũng và tuân thủ các tiêu chuẩn. Để kích cầu đầu tư vào Việt Nam, một trong những cách chính là đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và rõ ràng ", Đại sứ Jessen cho biết.
Ngoài ra, các vấn đề thương mại tự do "tiêu chuẩn" như cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan sẽ là một trong những lĩnh vực "thú vị" trong suốt các cuộc đàm phán sắp tới với Việt Nam. Đồng thời, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng là một "vấn đề quan trọng", Jessen nói thêm.
Theo Đại sứ EU ở Việt Nam, EU đang lên kế hoạch mở trung tâm kinh doanh tại Hà Nội và TP HCM trong năm nay hoặc đầu năm 2013 để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ. Các trung tâm tương tự cũng đã được lên kế hoạch ở Philippines Indonesia và Malaysia.
Như vậy, Việt Nam sẽ là đối tác thứ ba trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Singapore và Malaysia, bắt đầu các vòng đàm phán cho một hiệp định thương mại tự do với EU. Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương với 8 quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Nguồn Bloomberg/DVT