FDI và nguy cơ phân hóa kinh tế Việt Nam
Tuy FDI có vị trí như vậy nhưng về chất, có thể nói Việt Nam đã không thành công trong chiến lược dùng FDI để phát triển kinh tế. Ta thử đánh giá FDI tại Việt Nam nhìn từ ba tiêu chí của chiến lược thu hút FDI hiệu quả đã bàn ở trên.
Thứ nhất, Việt Nam chưa bao giờ lập ra được một chiến lược phát triển công nghiệp năng động trong đó cả FDI và doanh nghiệp trong nước cùng liên kết làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu lên cao. Từ thập niên 1990, dòng chảy chủ đạo của FDI tại châu Á là các ngành công nghiệp máy móc với giá trị gia tăng cao và nhu cầu trên thị trường thế giới lớn mạnh, như đồ điện gia dụng, ô tô, máy tính cá nhân, v.v.. Việt Nam đã nhiều lần có cơ hội đón đầu dòng chảy đó nhưng đã không chủ động về chính sách và sớm cải thiện môi trường đầu tư nên đã bỏ lỡ các cơ hội đó. Trên thực tế, có một số dự án FDI ở Việt Nam trong các lãnh vực đó nhưng hoạt động không thành công, không trở thành những sản phẩm made-in Vietnam trên thị trường thế giới. Tôi đã có dịp phân tích nguyên nhân thất bại của ngành ô tô tại Việt Nam.
Do đó, FDI vào Việt Nam nhiều nhưng chủ yếu là những ngành dùng nhiều lao động giản đơn như may mặc, giày dép, và trở thành những ngành xuất khẩu chủ đạo. Nhưng đó là những lãnh vực không cần nhiều vốn, không cần công nghệ cao nên đáng lẽ doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư hay ít nhất là liên doanh với nước ngoài trong giai đoạn đầu và sau đó dần dần làm chủ hoàn toàn.
Mặt khác, các ngành xuất khẩu ấy phải tùy thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm trung gian như vải, tơ sợi,... Suốt 20 năm nay công ty trong nước không có khả năng sản xuất các mặt hàng này để thay thế hàng nhập nầy. Gần đây với triển vọng Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quy chế về xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ buộc Việt Nam sẽ phải dùng sản phẩm trung gian sản xuất trong nước. Thế là Trung Quốc bắt đầu tích cực triển khai các dự án FDI tại Việt Nam để đối phó với tình hình mới ấy. Ta có thể đặt câu hỏi tại sao nhà nước đã đưa ra mục tiêu cơ bản trở thành nước nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 mà bây giờ vẫn phải thu hút FDI trong những ngành không đòi hỏi công nghệ cao như vải, tơ sợi? Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu? Những người làm chính sách ở Việt Nam nghĩ gì về hiện tượng này?
Ở đây ta chưa bàn đến những mặt tiêu cực của quá trình thu hút FDI tại Việt Nam, nhất là từ khi có chính sách phân quyền cho các địa phương. Nhiều chính quyền địa phương hoặc thiếu kiến thức chuyên môn, hoặc không ý thức trách nhiệm với tương lai đất nước, kể cả trường hợp bị công ty nước ngoài mua chuộc, nên đã có nhiều dự án FDI gây ảnh hưởng đến môi trường và an ninh quốc gia. Nhìn chung, quan chức Việt Nam cho đến nay hầu như chỉ xem số lượng (như vốn dăng ký, vốn thực hiện) là thành quả của chính sách FDI và ít quan tâm đến chất lượng, ít năng động tranh thủ những dự án FDI có hiệu quả cho chiến lược công nghiệp hóa.
Thứ hai, phân tích hình thái FDI ta thấy hiện nay hầu hết là 100% vốn nước ngoài, liên doanh giữa nước ngoài với công ty trong nước ngày càng ít. Trong thời gian đầu sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, Việt Nam chỉ cho phép FDI theo hình thái liên doanh nên doanh nghiệp nước ngoài không có sự chọn lựa nào khác. Kết cuộc các dự án trong giai đoạn đó phần lớn là liên doanh, phía Việt Nam thật ra chỉ đóng góp vốn bằng tiền cho thuê đất. Khi nhà đầu tư nước ngoài được phép tự lựa chọn hình thức đầu tư thì công ty nước ngoài chọn hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Như biểu thống kê cho thấy, tỷ lệ của các dự án FDI 100% vốn nước ngoài chỉ có 38% trong giai đoạn 1993-96 nhưng tăng mạnh sau đó. Tính gộp tất cả các dự án có từ trước và còn đang hoạt động cho thấy gần 80% dự án là 100% vốn nước ngoài (nếu chỉ tính các dự án từ năm 2000 đến nay con số đó còn lớn hơn nữa).
Các hình thức FDI tại Việt Nam (%)
Những dự án FDI điển hình và nổi tiếng gần đây cũng theo hình thái 100% vốn nước ngoài. Chẳng hạn Samsung đầu tư với quy mô lớn tại Bắc Ninh và Thái Nguyên nhưng cả hai dự án đều là 100% vốn Hàn Quốc.
Nguyên nhân có hiện tượng trên là ở Việt Nam doanh nghiệp tư nhân còn yếu, phần lớn không có khả năng góp vốn và các nguồn lực khác cũng yếu. Doanh nghiệp nhà nước thì tương đối có nhiều vốn và các nguồn lực khác nhưng cũng có ít trường hợp nước ngoài muốn chọn làm đối tác để liên doanh. Theo kết quả phỏng vấn của tôi với nhiều doanh nhân Nhật, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thường hành động như một quan chức (không phải như một nhà doanh nghiệp), ít quan tâm đến sự phát triển của liên doanh và đôi khi cản trở các quyết định về sự phát triển của doanh nghiệp.
Thứ ba, cho đến nay hầu như sự liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước rất yếu. Muốn liên kết thì doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ chất lượng và với giá cả cạnh tranh được. Nhưng ở Việt Nam bây giờ vẫn còn bàn cãi vấn đề tại sao ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đủ cho thấy tình hình các doanh nghiệp trong ngành nầy còn yếu như thế nào. Doanh nghiệp Nhật vẫn còn xem đó là yếu tố làm môi trường đầu tư của Việt Nam kém hấp dẫn.
Nguyên nhân làm ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển có nhiều. Một là doanh nghiệp nhà nước chỉ quan tâm những dự án lớn, những ngành hy vọng thu lợi nhuận trong thời gian ngắn như bất động sản, ngân hàng, thương mại. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không tiếp cận được vốn để đầu tư, và chịu nhiều phí tổn tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, tỉ lệ nội địa của các sản phẩm trung gian, của ngành hỗ trợ trong các dự án FDI rất thấp (chẳng hạn chỉ độ 25% trong ngành ô tô). Ngành xe máy tỉ lệ nội địa khá cao nhưng đó là nhờ các công ty FDI tự sản xuất hoặc kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Nhật và các nước khác đến đầu tư thay vì liên kết với doanh nghiệp bản xứ tại Việt Nam.