FDI từ Trung Quốc: Cảnh báo tăng trưởng bất thường
Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc tăng mạnh thực chất lại không được coi như một tín hiệu tốt. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải tỉnh táo và bản lĩnh nếu không muốn nhận những hậu quả khôn lường.
Rủi ro cần cảnh báo
Theo công bố mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính tới ngày 20.2, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2017 đạt hơn 721,7 triệu USD. Tốc độ chuyển vốn FDI từ Trung Quốc khá nhanh so với các đối tác đầu tư khác như Mỹ, Nhật và Malaysia... với các lĩnh vực ưu tiên: dệt may, da giày, nhiệt điện và khai khoáng... Trung Quốc cũng đứng thứ 2 trong danh sách các nhà đầu tư tại Việt Nam, chỉ sau Singapore, điều đã không hề xảy ra trong năm 2016. Trong khi đó, với sắc lệnh ngày 23.1 của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam để đón TPP đã không thể thành hiện thực.
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết đầu tư nước ngoài từ bất cứ quốc gia nào, nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường, đều gây băn khoăn. Với trường hợp Trung Quốc, chúng ta rất cần phải lưu ý, thậm chí phải cảnh báo. Lý do là nước này đã chuyển sang mô hình tăng trưởng mới với yêu cầu công nghệ cao hơn, có nhu cầu đẩy công nghệ cũ sang các nước kém phát triển hơn. “Việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư sang nhiều nước không phải vấn đề mới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là hiện tượng mới rộ lên trong vài tháng gần đây. Khi các tiêu chuẩn hay hoạt động thẩm định về công nghệ của chúng ta còn chưa thực sự nghiêm ngặt, buộc phải có những đánh giá kỹ lưỡng về hoạt động đầu tư này”, Tiến sĩ Thiên nhận định.
Phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ những mối “lợi đủ đường” của Trung Quốc khi đầu tư để chuyển giao công nghệ lạc hậu tại Việt Nam. Thứ nhất, với trình độ công nghệ ngày càng cao, Trung Quốc cần phải đào thải những công nghệ, trang thiết bị máy móc không còn tương thích, đã hết khấu hao. Thay vì vứt đi như một dạng rác công nghệ, phương án được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn là đầu tư sang Việt Nam. Dù những công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu không tối ưu nhưng với những ưu đãi về mặt bằng, chính sách thuế, ưu đãi bán hàng… của Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể có lãi.
Thứ hai, khi toàn bộ dây chuyền, công nghệ máy móc thiết bị… đã không còn khả năng khai thác, sản xuất, chúng sẽ là rác công nghệ vĩnh viễn ở lại Việt Nam. Những hiểm họa về sức khỏe và môi trường từ đống phế liệu khổng lồ nói trên, người Việt Nam sẽ phải gánh chịu. Vị chuyên gia này cảnh báo: “Sự cố Formosa đã là một bài học thấm thía cho Việt Nam. Những hậu quả sẽ trở nên khôn lường trong khoảng 20-30 năm tới”.
Đã được báo trước
Sẽ là thiếu khách quan nếu chỉ nhìn nhận công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu Trung Quốc tràn vào Việt Nam là do tính toán của nước này và cơn khát vốn đầu tư chưa bao giờ nguôi của nước chủ nhà. Bởi lẽ, trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng đang được Bộ Công Thương đặt mục tiêu xử lý dứt điểm, không dưới 2/3 dự án liên quan tới vốn và công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc. Chúng ta thấy rõ những ví dụ điển hình: dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên 2 (công nghệ mới, thiết bị Trung Quốc), Nhà máy Đạm Ninh Bình (công nghệ châu Âu, thiết bị Trung Quốc), Nhà máy Ethanol Dung Quất (công nghệ Mỹ, thiết bị Trung Quốc), Nhà máy Gang thép Lào Cai (Tập đoàn Gang thép Côn Gang, Trung Quốc góp trên 40% vốn)...
Hệ lụy hàng ngàn tỉ đồng tiền ngân sách trôi theo thất bại của các dự án nói trên đã được dự báo nhưng điều đáng buồn hơn cả là chính cơ quan có phần trách nhiệm quản lý vấn đề công nghệ, thiết bị lạc hậu lại lựa chọn sai lầm. Trong khi đó, hệ thống giám sát, hàng rào kỹ thuật công nghệ không phát huy tác dụng. Tham rẻ chỉ có thể là lời biện minh của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp đang buộc phải sử dụng công nghệ, thiết bị Trung Quốc, dù biết rõ, độ bền của máy móc không cao và chất lượng, giá thành sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trưởng. Trong tình thế bị chèn ép bởi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thân hữu và các doanh nghiệp FDI, không tiếp cận được vốn vay với lãi suất ngang bằng các nước trong khu vực..., các doanh nghiệp nhỏ không có lựa chọn khác.
Việt Nam cần lựa chọn vốn FDI có chất lượng hơn để cập nhật công nghệ sản xuất mới nhất. Ảnh: 123RF |
Việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam cũng có thể nhìn nhận ở góc độ thị trường. Nhưng nguy cơ ở đây chính là do bản thân nền kinh tế Việt Nam còn quá yếu kém, doanh nghiệp tư nhân thì không được tạo điều kiện phát triển, doanh nghiệp nhà nước thì hoạt động thiếu hiệu quả, nên phải dựa ngày càng nhiều vào đầu tư nước ngoài, bất chấp chất lượng đầu tư. Rủi ro này đặt ra những thách thức không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả môi trường và xã hội.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giải pháp nằm ở những người đưa ra quyết sách cho nền kinh tế. Chúng ta phải vạch ra đường hướng mới với những giá trị cốt lõi trong đầu tư, ví dụ, công nghệ tiên tiến, chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể hội nhập với thế giới, phải bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người lao động...
Vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ những đồng tiền mất đi ấy sẽ vạch đường cho đồng tiền khôn, để những góp ý của các chuyên gia kinh tế sẽ được nghiên cứu và hiện thực hóa bằng các quyết sách về kinh tế quốc gia. Chỉ có một sự thật không thể làm ngơ được nữa, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Việt Nam không thể tiếp nhận đầu tư công nghệ thấp được nữa vì chúng ta đã quá tải công nghệ lạc hậu, công nghệ cũ mà nhà đầu tư nước ngoài đưa vào” .
Hoàng Hạnh