Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn khi các doanh nghiệp cân nhắc chiến lược Trung Quốc+1. Ảnh: TL.

 
Việt Hà Thứ Tư | 12/07/2023 16:31

FDI: Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm

Theo quan điểm của DSC, điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 là có nguồn vốn FDI ổn định.

Tính đến ngày 20/6, FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỉ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, FDI thực hiện đạt 10,02 tỉ USD, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 3 và tháng 6, đoàn doanh nghiệp của Mỹ và Hàn Quốc đã có chuyến thăm nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Điều này tạo tiền đề cho việc mở rộng dòng vốn FDI trong thời gian tới. Rủi ro chủ yếu đến từ lạm phát cao và sức cầu suy yếu trên toàn cầu làm ảnh hưởng kế hoạch mở rộng kinh doanh của các tập đoàn quốc tế lớn. 

 

Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng thúc đẩy đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII được thông qua gần đây, cũng như chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, sẽ là động lực quan trọng để thu hút FDI trong dài hạn. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn khi các doanh nghiệp cân nhắc chiến lược Trung Quốc +1, cũng như khi kinh tế toàn cầu có sự khởi sắc”, Mirae Asset nhìn nhận. 

 

Trong ngắn hạn, công ty chứng khoán này cho rằng việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với FDI từ năm 2024 vẫn sẽ là chủ đề được quan tâm chính. Phía Chính phủ được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp chính sách và lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán DSC cũng đánh giá chuyến thăm của Tổng thống và các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc tại Việt Nam vừa qua kỳ vọng sẽ (1) thúc đẩy thương mại song phương và (2) thu hút nhiều hơn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam từ Hàn Quốc. Có thể thấy, dù nền kinh tế thế giới khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có sức hút lớn với nhà đầu tư ngoại. DSC đánh giá đây là một yếu tố tích cực, sẽ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. 

Quý II/2023, GDP Việt Nam tăng trưởng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 chỉ nhỉnh hơn các giai đoạn kinh tế suy thoái là quý I- quý II/2009 (suy thoái kinh tế thế giới), giai đoạn quý I - quý III/2020 và quý III/2021 (COVID-19). Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ được ban hành chưa thể mang lại hiệu quả tức thời. Tuy nhiên, DSC kỳ vọng các chính sách sẽ được thẩm thấu trong 4-6 tháng tới và GDP sẽ quay trở lại hồi phục mạnh mẽ hơn từ quý IV/2023.

Ở góc nhìn tỉ giá, do Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành tới 4 lần trong năm nay trong khi Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn giữ vững lập trường để lãi suất neo cao, tỉ giá VND/USD đã có sự suy yếu nhẹ. Kết phiên 7/7/2023, tỉ giá VND/USD đạt 23.655, tăng nhẹ 1% từ vùng đáy tháng 5.

Tuy nhiên, với (1) lượng dự trữ ngoại hối cao, hiện ước đạt 95 tỉ USD (~3,5 tháng nhập khẩu), và (2) cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu (6 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 12,25 tỉ USD), DSC đánh giá rủi ro về tỉ giá không quá đáng ngại.

Có thể bạn quan tâm

VDSC: Thận trọng với rủi ro mất giá tiền đồng trong nửa cuối năm 2023