FDI dần hướng vào công nghệ cao
Thực tế ngay trong năm 2012, nhiều tuyên bố, quyết định thay đổi chính sách của Chính phủ liên quan đến đầu tư FDI đã được đưa ra. Có lẽ chính vì vậy đã phần nào củng cố được niềm tin của các nhà đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục giảm trong năm 2012, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia đang gia tăng, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy số lượng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao đang gia tăng tại Việt Nam.
Tập đoàn Fuji Xerox của Nhật, một trong những hãng sản xuất thiết bị kỹ thuật số và máy in hàng đầu thế giới, đang chuẩn bị khởi công xây dựng một nhà máy tại khu công nghiệp VSIP Hải Phòng trong năm nay. Đây là dự án sản xuất đầu tiên của Fuji Xerox tại Việt Nam, với tổng mức đầu tư ban đầu là gần 40 triệu USD.
Theo thông báo của Fuji Xerox, dự án này sẽ sản xuất các thiết bị kỹ thuật số dùng cho máy in với công suất là hai triệu sản phẩm/năm trong giai đoạn đầu. Quy mô này tương đương với 2/3 công suất của các nhà máy thuộc Fuji Xerox tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Fuji Xerox không phải là dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghệ cao duy nhất được đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong thời điểm năm ngoái. Kể từ khi tập đoàn Intel cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam năm 2006, nhiều nhà đầu tư khác trong lĩnh vực công nghệ cao đã theo chân Intel vào Việt Nam.
General Electric (GE), tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị máy móc hiện đại, trong tháng 11 vừa qua cũng tuyên bố mở rộng đầu tư ở Việt Nam thông qua việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm máy móc, dịch vụ cho lĩnh vực dầu khí.
Đặc biệt trong năm 2012, hai hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới là Samsung và Nokia đều công bố các dự án đầu tư mới tại Việt Nam. Không chỉ đầu tư vào dây chuyền sản xuất, cả Nokia và Samsung đều tuyên bố sẽ xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
“Đây chính là điều chúng ta mong đợi trong nhiều năm qua. Hiện tại, điều này đang dần thành hiện thực,” ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các DN có vốn đầu tư nước ngoài, nói.
Cần phải nhắc lại rằng trong quá khứ, Việt Nam chủ yếu tiếp nhận dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ và những lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động. Những dự án FDI đó chủ yếu áp dụng công nghệ sản xuất lạc hậu như da giày hoặc dệt may. Với những dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ thấp như vậy, sự chuyển giao công nghệ hiện đại cho các DN trong nước là hầu như không có. Chính phủ trong vài năm gần đây đã tuyên bố rằng sự ưu tiên thu hút FDI sẽ tập trung vào các ngành sản xuất công nghệ cao nhiều hơn là các ngành thâm dụng lao động.
Theo ông Mại, các dự án đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia như Nokia, Samsung, GE hay Intel là tín hiệu rõ nét cho thấy Việt Nam đang chuyển dịch từ ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao hơn. Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dòng vốn FDI cam kết vào Việt Nam giảm liên tục trong những năm gần đây. Điều này cũng cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư tốt với các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt với các dự án công nghệ cao.
Đối với công ty Fuji Xerox, việc công ty này chọn Việt Nam thay vì các quốc gia châu Á khác để đầu tư là vì quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra rất nhanh tại đây, ông Hitoshi Fujiwara - Phó chủ tịch của Fuji Xerox nói trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 12 vừa qua.
Theo ông Fujiwara, lợi thế của Việt Nam hiện tại là sự tập trung của các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, thông tin và vị trí địa lý kết nối với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Để tận dụng tốt những lợi thế đó, Fuji Xerox trong thời gian tới sẽ tăng gấp đôi công suất sản xuất tại Việt Nam.
Một bằng chứng nữa cho thấy Việt Nam đang chuyển dịch sang lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao là doanh thu xuất khẩu của các sản phẩm công nghệ cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu xuất khẩu của các mặt hàng điện thoại, thiết bị điện tử và máy tính của Việt Nam năm 2012 đạt mức kỷ lục là 20,5 tỷ USD. Trong đó, mức tăng trưởng so với năm 2011 của các mặt hàng điện thoại và phụ kiện là 97,7% và các mặt hàng máy tính là 69,1%.
“Rõ ràng Việt Nam đang là điểm đến đầy hứa hẹn của các công ty sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao,” ông Christopher Towmey - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, nói.
Mặc dù số lượng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam đang tăng lên, nhưng không phải Việt Nam không đối mặt với những thách thức. Sự cạnh tranh từ các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan đang tạo áp lực cho Chính phủ phải thay đổi chính sách của mình nhằm khuyến khích đầu tư.
Trong cuộc họp báo gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết Chính phủ đã nhận thức rõ áp lực hiện tại và sẽ thay đổi chính sách đầu tư theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao khi đầu tư vào Việt Nam. Thực tế ngay trong năm 2012, nhiều tuyên bố, quyết định thay đổi chính sách của Chính phủ liên quan đến đầu tư FDI đã được đưa ra. Có lẽ chính vì vậy đã phần nào củng cố được niềm tin của các nhà đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam.
“Chúng tôi hiểu được những thách thức Việt Nam đang phải đối mặt, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào tiềm năng phát triển tại đây trong dài hạn. Khi các nước ASEAN ngày càng gắn chặt với nhau để trở thành một thị trường thống nhất vào năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục là một thị trường chiến lược và có tính cạnh tranh trong khu vực”, ông John Rice - Phó chủ tịch tập đoàn GE, nói trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11 vừa qua.
Điều cần thiết bây giờ là phải hiện thực hóa những tuyên bố về cải thiện môi trường đầu tư gần đây của Chính phủ để Việt Nam thu hút được nhiều hơn nữa những tập đoàn đa quốc gia như GE, Nokia hay Samsung.
(Theo Thời Báo Ngân Hàng)