Việt Nam vẫn ghi nhận sự khả quan trong thu hút FDI. Ảnh: Quý Hoà
FDI cũng cần “giải cứu”
Dịch bệnh đã thay đổi tầm nhìn của nhà đầu tư về chuỗi cung ứng.
Nhiều thông tin cho thấy, Apple đang tăng cường trở lại dây chuyền sản xuất iPhone tại Trung Quốc sau khi đối tác của Apple tại Việt Nam, Ấn Độ phải ngừng hoạt động vì COVID-19. Dù các thông tin chưa rõ ràng cho việc Apple quyết định quay lại Trung Quốc nhưng cho thấy lợi thế mong manh của Việt Nam trong chiến lược “làm tổ đón đại bàng”, đặc biệt trong bối cảnh khống chế dịch bệnh, từng là vũ khí lợi hại của Việt Nam, nhưng nay đang bị đe dọa bởi sự phức tạp của biến chủng virus.
Thực tế, Việt Nam vẫn ghi nhận sự khả quan trong thu hút FDI. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2021, có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 8,83 tỉ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Singapore là đối tác dẫn đầu với 5,26 tỉ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, Nhật đứng thứ 2 với 2,59 tỉ USD.
Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực thu hút dòng vốn FDI. Đặc biệt dịch bệnh lây lan phức tạp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, khiến các khu công nghiệp tại đây phải tạm thời đóng cửa, gây lo ngại về khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn toàn cầu.
Trong khi đó, cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài đang ngày càng gay gắt ở khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo vừa mới được Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố, Đông Nam Á, động lực tăng trưởng FDI toàn cầu trong thập kỷ qua, đã chứng kiến vốn FDI giảm 25% xuống còn 136 tỉ USD trong năm 2020. Singapore, Indonesia và Việt Nam, những nước nhận FDI lớn nhất trong khu vực, đều ghi nhận mức giảm FDI. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, thu hút FDI năm 2020 của Việt Nam đạt 28,5 tỉ USD, giảm 25% so với năm 2019. Các biện pháp giãn cách, các đợt lây nhiễm COVID-19 liên tiếp, gián đoạn chuỗi cung ứng, thu nhập doanh nghiệp giảm, bất ổn kinh tế và kế hoạch đầu tư bị trì hoãn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này.
Trước tình hình trên, Indonesia đưa ra biện pháp khuyến khích đầu tư theo kiểu “tùy biến” cho nhà đầu tư và sắp tới sẽ thực hiện chính sách cho phép “đền bù carbon”. Philippines công bố kế hoạch ban hành chính sách thuế mới, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 30% xuống 25% đối với các tập đoàn lớn và 20% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ...
“Dịch bệnh không chỉ thay đổi thị trường hàng hóa, dịch vụ truyền thống, mà còn thay đổi cả thị trường FDI. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam gia tăng thu hút FDI. Muốn vậy, việc chống dịch hiệu quả và nhiều cơ chế, chính sách hiện hành chưa đáp ứng đủ, mà cần phải có những cơ chế, chính sách mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Đây mới là gói hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên trong năm nay và nhiều năm sau nữa”, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất.
Giám đốc Đầu tư và Doanh nghiệp của UNCTAD James Zhan cho biết, FDI toàn cầu có thể giảm mạnh trong năm nay, trước khi tăng trở lại vào năm 2022, với nguyên nhân vẫn xuất phát từ những yếu tố không chắc chắn về diễn biến của đại dịch COVID-19. Triển vọng FDI đối với khu vực châu Á thuận lợi hơn so với triển vọng toàn cầu, với mức tăng trưởng dự kiến từ 5-10%, nhờ vào chuỗi giá trị nội vùng linh hoạt và triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Có thể thấy, thu hút dòng vốn FDI sẽ ngày càng gay gắt hơn. Dù hiện tại, Việt Nam đang có nhiều lợi thế và cơ hội đón dòng đầu tư từ xu hướng “Trung Quốc +1”, song nếu không sẵn sàng, cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất mới ở Đông Nam Á có thể sẽ vuột đi. Việt Nam mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 20 tỉ USD và tỉ lệ vốn thực hiện khoảng 70-75% số vốn đăng ký.
Việt Nam mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 20 tỉ USD và tỉ lệ vốn thực hiện khoảng 70-75% số vốn đăng ký. Ảnh: Quý Hoà |
Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh đã làm thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư lớn về hình thành trung tâm sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Điều này đã tác động lớn đến chính sách thu hút FDI của các nước. Theo ông Phương, gói hỗ trợ với doanh nghiệp FDI không thể đồng hạng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà phải có chính sách, cơ chế đột phá. “Chúng ta không thể tổ chức các cuộc roadshow, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài kiểu truyền thống. Vậy làm thế nào để nhà đầu tư thậm chí không cần đến Việt Nam vẫn mạnh dạn đầu tư một lượng tiền lớn? Muốn vậy, phải tiếp tục có gói hỗ trợ thứ 2, đó là hỗ trợ chính sách, cơ chế”, ông nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư nhằm hướng tới việc thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Những ưu đãi đầu tư đặc biệt sẽ được phân làm 3 mức, trong đó mỗi mức gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước.