Với xu thế hồi phục của dòng vốn đầu tư toàn cầu, cơ hội cho Việt Nam tiếp tục thu hút FDI đang mở rộng. Ảnh: Quý Hòa
FDI chuyển dịch sang những ngành có giá trị cao
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Với xu thế hồi phục của dòng vốn đầu tư toàn cầu, cơ hội cho Việt Nam tiếp tục thu hút FDI đang mở rộng. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM), cho biết: “Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là RCEP. Hơn nữa, khi kinh tế của cả khu vực phục hồi, các nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc, ra các quyết định đầu tư để đa dạng hóa cơ sở sản xuất”.
Trong cơ cấu vốn đầu tư FDI năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỉ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện, mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn, mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn, nên đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỉ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt 2,41 tỉ USD và 1,27 tỉ USD...
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo của Hàn Quốc tìm đến Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm cơ sở sản xuất chiến lược để xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới. Trong khi đó, dòng vốn Nhật đổ vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, phi sản xuất. Còn với Đài Loan, Việt Nam tiếp tục dẫn dầu ASEAN về địa điểm thích hợp để đầu tư trong 2 lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh là điện tử, dệt sợi.
Theo ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản Công nghiệp của Savills Việt Nam, bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. “Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á.
Nguyên nhân là Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động, cũng như đất giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, ông John Campbell nói.
Xu hướng này ngày càng trở nên rõ nét ở Việt Nam, đặc biệt kể từ khi hàng loạt công ty công nghệ lớn có đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Intel, LG... Hay Foxconn, Luxshare, Pegatron, những nhà sản xuất cung ứng linh kiện, sản phẩm hàng đầu cho các thương hiệu công nghệ toàn cầu Apple, Sony, Microsoft đã đến đầu tư tại Bắc Giang, Hải Phòng trong thời gan gần đây. Những tên tuổi lớn này tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam và gia tăng hàm lượng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chứ không chỉ là điểm đặt nhà máy gia công, lắp ráp.
Chẳng hạn, Công ty Arevo (Mỹ) đã ký biên bản ghi nhớ với Khu Công nghệ cao TP.HCM về việc triển khai dự án công nghệ in 3D sử dụng vật liệu composite sợi carbon phục vụ ngành hàng không vũ trụ và dân dụng. Bà Lê Diệp Kiều Trang, đại diện Arevo, cho biết: “Nếu dự án được triển khai, Việt Nam trở thành nơi duy nhất có khả năng in 3D bằng vật liệu carbon fiber và có năng lực in với quy mô sản xuất, vì thực tế in 3D ở những nơi khác chỉ dừng lại in prototype mẫu vật”.
Hay một dự án FDI tỉ USD được quyết định đầu tư vào Việt Nam trong những ngày cuối năm 2021 là của Amkor Technology, Inc, một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỉ USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo chuyên gia từ Savills, bức tranh đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang phát triển theo một chuỗi giá trị trong vòng một thập kỷ vừa qua. Trong đó, ngành thiết bị điện tử chiếm tỉ trọng cao nhất, ở mức 19,29% tổng vốn. Tiếp theo là điện tử và máy tính với 17,14%. Trong khi đó, các mặt hàng dệt may, may mặc và thực phẩm chỉ ghi nhận vốn đầu tư dưới 4% cho mỗi ngành.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng bối cảnh chung của thế giới và đang tác động lớn đến Việt Nam và dịch bệnh là thời điểm để định hình lại tư duy, chiến lược về FDI. Theo báo cáo của UNCTAD, năm 2021 FDI toàn cầu phục hồi tương đối khiêm tốn do khả năng tiếp cận vaccine thấp, sự xuất hiện của các biến thể virus mới và các nền kinh tế chậm mở cửa trở lại.
Tuy vậy, FDI của năm 2022 được dự báo tăng cao hơn và có thể trở lại mức năm 2019 là 1.500 tỉ USD do các quốc gia sẽ ưu tiên chính sách nhằm đẩy mạnh đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện. Đặc biệt thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, đồng thời tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế và chăm sóc sức khỏe người dân.
Cũng như sự thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh mới, quốc gia nào có khả năng ứng phó nhanh nhạy với điều kiện kinh doanh liên tục biến động sẽ tìm được cơ hội để bứt phá.