Xu hướng ngày càng rõ cho thấy một cuộc dịch chuyển dòng vốn từ khu vực Đông Bắc Á sang các nước Đông Nam Á, Nam Á. Ảnh: TL.

 
Minh Đức Thứ Hai | 14/02/2022 07:53

FDI chinh phục những dự án tỉ USD

Cơ hội giúp Việt Nam đón những dự án tỉ USD trong nỗ lực hiện thực hóa tham vọng trở thành công xưởng sản xuất tại châu Á.

Báo chí thế giới những ngày đầu năm 2022 nhận định “Việt Nam đã nổi lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của các chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Chẳng hạn, báo cáo tài chính của Nike cho thấy năm 2021, 51% số giày thể thao của Hãng được sản xuất tại Việt Nam, trong khi tỉ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm xuống còn 21%. Đáng chú ý, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dự kiến xuất khẩu cả năm 2021 của Samsung tại Việt Nam đạt 65 tỉ USD. Qua đó, Samsung Việt Nam khẳng định tiếp tục duy trì chiến lược để Việt Nam là cứ điểm xuất khẩu điện thoại Made in Vietnam quy mô lớn ra thế giới.

Trong năm 2021, theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng cả năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 20/1/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 2,1 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là sự xuất hiện của loạt dự án tỉ đô của Foxconn, Lego, Pegatron, Jinko Solar, Luxshare... trong năm qua.

Kinh tế Việt Nam được đánh giá chịu tác động của đại dịch ít hơn so với nhiều thị trường mới nổi, thể hiện qua việc GDP hằng năm không giảm mạnh. Ảnh: TL.

Những con số này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Chính sách ưu đãi thuế và nhân công giá rẻ được đánh giá nằm trong số những yếu tố giúp Việt Nam thu hút các thương hiệu lớn của quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng hơn khi Việt Nam đã chuyển đổi mô hình chống dịch, từ Zero Covid sang sống chung với dịch, thích ứng linh hoạt.

Trong báo cáo mới nhất, tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định, lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam được tiếp thêm động lực trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tăng trở lại và hoạt động xuất khẩu duy trì đà mạnh mẽ. Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Kinh tế Việt Nam được đánh giá chịu tác động của đại dịch ít hơn so với nhiều thị trường mới nổi, thể hiện qua việc GDP hằng năm không giảm mạnh.

 

Dòng vốn FDI vẫn đang hậu thuẫn Việt Nam khi xu hướng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc vẫn có trong bối cảnh chính phủ nước này tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid, ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Hơn nữa, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường Trung Quốc từ các nhà sản xuất nội địa đã khiến đất nước này trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là một trung tâm sản xuất.

Xu hướng ngày càng rõ cho thấy một cuộc dịch chuyển dòng vốn từ khu vực Đông Bắc Á sang các nước Đông Nam Á, Nam Á. Tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam cũng như ở các nước khu vực và khả năng đóng góp của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu, phụ thuộc vào mức độ thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp muốn chuyển địa điểm hoặc hồi hương hoạt động sản xuất, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, kỳ vọng thu hút các dự án mới, công ty mới, các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có hiệu quả cao vẫn còn hạn chế dù Chính phủ rất quyết tâm. 

Trong khi đó, tiềm năng vẫn rất lớn để Việt Nam cạnh tranh thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ về công nghệ sản xuất bán dẫn và công nghệ sinh học, cũng như các tập đoàn của Nhật, châu Âu trong lĩnh vực phụ tùng ô tô công nghệ cao, máy móc công nghệ có độ chính xác cao, bán dẫn, tự động hóa...

“Một tín hiệu tích cực là Chính phủ đã lập Tổ công tác về thu hút FDI do một Phó Thủ tướng phụ trách, lãnh đạo Chính phủ cũng chủ động, trực tiếp gặp gỡ các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cho biết. Bên cạnh các trụ cột về hạ tầng, logistics, nhân lực có tay nghề, thì phát triển doanh nghiệp nội để bắt tay bình đẳng với các doanh nghiệp ngoại trở thành một trụ cột mới trong nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

 

Nhà đầu tư Mỹ, châu Âu đòi hỏi phải có hệ thống doanh nghiệp nội địa mạnh trong hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ phát triển. Ngoài chi phí sản xuất, các yếu tố về địa chính trị, thiết lập chuỗi cung ứng có sức chống chịu lại với những rủi ro như dịch bệnh cũng là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc dịch chuyển nhà máy, trung tâm nghiên cứu trên quy mô toàn cầu.