Sơn Phạm

 
Ngọc Thủy Thứ Ba | 19/09/2017 08:00

Fast fashion: Cơn sốt tăng nhiệt

Hằng năm H&M ra mắt thị trường hàng ngàn mẫu mới, còn con số này của Zara là hàng chục ngàn mẫu.

Cơn sốt thời trang nhanh, thời trang bình dân hàng hiệu (fast fashion) ngày càng có dấu hiệu tăng nhiệt tại Việt Nam.

Không chỉ có H&M

Hàng ngàn bạn trẻ đội nắng xếp hàng dài nhiều giờ liền trong ngày khai trương của H&M tại trung tâm TP.HCM chứng tỏ cơn sốt fast fashion vẫn còn rất nóng đối với các tín đồ thời trang Việt Nam.

Tháng 9 năm ngoái, Zara (Tây Ban Nha) từng gây nên hiện tượng trong lần hiện diện đầu tiên tại Việt Nam. Còn trong năm nay, 3 thương hiệu thời trang “chị em” với Zara gồm Pull&Bear, Stradivarius và Massimo Dutti đồng loạt xuất hiện tại Việt Nam.

Sự xuất hiện cùng lúc, trên cùng địa điểm (Vincom Center, quận 1) của Pull&Bear, Stradivarius và Massimo Dutti cũng khá bất ngờ. Bất ngờ hơn khi cả 3 đều đã khai trương trước cả đối thủ H&M. Theo các thông tin công bố, Pull&Bear và Stradivarius thuộc phân khúc bình dân, chuyên về thời trang trẻ trung; còn Massimo Dutti ở nhóm cao cấp và nổi tiếng với các bộ sưu tập theo phong cách cổ điển, thanh lịch. Trước khi vào Việt Nam, cả Pull&Bear, Stradivarius và Massimo Dutti đều đã thiết lập sự hiện diện trên khắp thế giới. Chẳng hạn, Pull&Bear có mặt ở 73 quốc gia với 970 cửa hàng, còn Massimo Dutti mở 665 cửa hàng tại 64 quốc gia.

Đến Việt Nam, Pull&Bear, Stradivarius, Massimo Dutti cùng với Zara đã làm nên “bộ tứ nhà Inditex” uy lực. Tuy nhiên, so với Zara thì màn “chào sân” của Pull&Bear, Stradivarius, Massimo Dutti ở Việt Nam lặng lẽ hơn. Diện tích trưng bày của 3 thương hiệu này cũng chỉ bằng một nửa so với khu vực bán hàng của Zara. Về phía Zara Việt Nam, sau một năm thành công vang dội, hãng này lên kế hoạch, trong tháng 10 tới, sẽ mở cửa hàng thứ 2 ở Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, ngày 9.9, H&M, hãng thời trang đến đến từ Thụy Điển vẫn theo đúng kế hoạch, ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam bất chấp bị bao vây bởi 4 tên tuổi nhà Inditex. Trao đổi với NCĐT, ông Fredrik Famm, Giám đốc Điều hành H&M tại khu vực Đông Nam Á, nhấn mạnh: “Càng có nhiều thương hiệu thời trang tập trung về đây, người dân sẽ càng có lý do để lui tới nhiều lần và thỏa sức mua sắm, tự do lựa chọn. Điều này có lợi cho H&M lẫn các hãng khác”.

Fast fashion: Con sot tang nhiet

Thực tế, H&M đã dành ra 2 năm nghiên cứu và chuẩn bị trước khi thâm nhập Việt Nam. Cũng như Zara, H&M không tiếc tiền khi chi ra hàng trăm ngàn USD mỗi tháng để thuê những mặt bằng rộng đẹp, tại khu vực trung tâm. Nói như ông Fredrik Famm, “H&M muốn mang đến những trải nghiệm thú vị cũng như quyết tâm gắn bó lâu dài ở Việt Nam”.

H&M ra đời đã 70 năm, lâu hơn Zara và cũng là thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, hiện diện ở 67 nước trước khi về Việt Nam. Điểm đặc biệt của H&M là ở thị trường nào, H&M cũng tự tổ chức phân phối, trừ một vài thị trường luật pháp không cho phép như Indonesia.

Theo ông Fredrik Famm, đây là cách giúp H&M chủ động và kiểm soát tốt hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng. Tính đến nay, H&M đã mở được 4.300 cửa hàng, gấp đôi so với số lượng cửa hàng của Zara. Với quy mô này, H&M sản xuất với khối lượng lớn và tiếp cận thị trường theo hướng toàn cầu hóa. Mỗi mẫu mã của H&M đều được bán trên toàn hệ thống, nhưng để phù hợp với điều kiện địa phương. Chẳng hạn như vấn đề thời tiết ở Việt Nam, ông Fredrik Famm cho biết, 20% mẫu mã của H&M sẽ được linh hoạt thay đổi.

Về mặt thiết kế, nếu Zara nổi tiếng ăn theo các nhãn hàng lớn như Gap, Prada Gucci, thì H&M kết hợp với những nhà thiết kế nổi tiếng như Erdem Moralioglu  (Anh), Versace, Alexander Wang... để mỗi ngày đều có mẫu mới, mỗi tuần đều có những bộ sưu tập. Tính ra, hằng năm, H&M ra mắt thị trường hàng ngàn mẫu mới. Còn con số này của Zara là hàng chục ngàn mẫu. Zara cũng hơn hẳn H&M và các đối thủ về vòng quay sản phẩm (dưới 1 tháng).

Đại diện của Công ty Savills cho rằng: “Chính sách giá phải chăng để thu hút số lượng lớn người mua đã được H&M áp dụng tại các cửa hàng khắp thế giới. Tại Việt Nam cũng không loại trừ khi giá thành của H&M được dự đoán sẽ thấp hơn Zara với mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất”.

Sức ép của hàng hiệu giá rẻ

Dù là H&M hay Zara thì đặc điểm chung của các hãng fast fashion là sản xuất đại trà ở quy mô toàn cầu, đạt vòng quay hàng tồn kho thấp, chỉ vận chuyển bằng đường biển, đường sắt, quảng cáo qua kênh trực tuyến là chủ yếu và như H&M còn biết tái chế nguyên liệu từ thu gom đồ cũ. Vì thế, các hãng fast fashion thường bán với giá rẻ. Chỉ 15-20USD hoặc nhỉnh hơn đôi chút là các tín đồ có thể sở hữu những chiếc áo sơ mi, áo phông, áo len, quần jean... hàng hiệu.

Những ai thích đẳng cấp hơn, H&M, Zara có nhóm hàng riêng để đáp ứng. Các hãng đều cam kết giá bán sản phẩm ở các thị trường sẽ không chênh lệch đáng kể. Điều này đã thỏa mãn cơn khát thời trang hàng hiệu giá rẻ của giới trẻ Việt Nam.

Doanh thu của Zara Việt Nam đã minh chứng cho điều này khi các cửa hàng của Zara lọt trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của Hãng. Kết quả đó cũng tạo thêm động lực mạnh mẽ cho các hãng thời trang khác như Giordano, Bossini, CK, Levis, Gucci, Mango, Old Navy... tìm cách mở rộng ở Việt Nam. Đó là chưa tính đến thời trang Trung Quốc, Thái Lan... vẫn đổ bộ vào Việt Nam qua nhiều con đường.

Sức ép này ngày càng gây khó khăn cho các thương hiệu thời trang nội địa như Blue Exchange, PT2000, Ninomaxx, An Phước... trong thị trường thời trang nội địa lên đến 85.000 tỉ đồng. Đây cũng là lý do để Công ty Cổ phần May Việt Tiến nhận nhượng quyền thương hiệu từ đối tác Mỹ để phân phối giày Skechers.

Các thương hiệu thời trang như Khang Khôi, Thái Sơn SP, Hoàng Dương (với thương hiệu Canifa) tìm kiếm cơ hội từ thị trường ngách. Ông Lê Viết Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Khang Khôi, chủ thương hiệu thời trang K&K, cho biết, K&K sẽ tận dụng lợi thế của một công ty nhỏ và có tính địa phương để phát triển. Chẳng hạn, tính chất toàn cầu hóa buộc H&M hay Zara... không thể nào thiết kế những bộ sưu tập chỉ dành riêng cho Việt Nam. Các hãng quốc tế này cũng không thể mở cửa hàng nhỏ, ở những nơi mà doanh số có thể không đạt mức tối thiểu đề ra. Về mặt thiết kế, thời kỳ đầu, K&K tận dụng lợi thế người nhà, sau đó mới tổ chức đội ngũ riêng, mỗi tháng ra mắt thị trường 50-60 mẫu mới. K&K đã có thể tung ra thị trường những sản phẩm thời trang chất liệu nhập khẩu, có thiết kế, thương hiệu riêng nhưng giá chỉ bằng một nửa so với mặt bằng chung.

Trong khi đó, theo bà Sim Thái Hà Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn SP, ngoài thị trường xuất khẩu, Công ty đẩy mạnh kênh phân phối thương hiệu thời trang Aloha tại các siêu thị lớn trong nước như Co.opMart, Big C, Vinatex, với các dòng sản phẩm chính: Aloha Fashion, Aloha Fancy, Aloha Smart... Lợi thế của các thương hiệu là có nhà máy đặt trong nước, chi phí nhân công rẻ, rút ngắn được thời gian từ khâu thiết kế - sản xuất - lên kệ. Dù vậy, mẫu mã, thương hiệu vẫn là điều khó so sánh.

Trong bối cảnh này, các thương hiệu nội cần tìm lợi thế về giá cả bình dân hơn, đi vào những thị trường ngách nhiều hơn... Đại diện các thương hiệu thời trang Việt cho rằng, fast fashion ngoài thách thức cũng là cơ hội tốt để học hỏi mẫu thiết kế, cách thức kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề là bài học này sẽ được trả bằng giá nào.

Ngọc Thủy