FAO: Chưa có nguy cơ tái diễn khủng hoảng lương thực
Cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008 bùng nổ là do nhiều yếu tố kết hợp: giá dầu thô và nhiên liệu tăng cao, tăng sử dụng nhiên liệu sinh học, thời tiết xấu gây hại đến sản lượng mùa màng đã đẩy giá lương thực thế giới tăng cao. Tại nhiều nước bao gồm cả Ai Cập, Cameroon, Haiti bạo loạn đã xảy ra.
Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế và chuyên gia ngũ cốc cấp cao tại FAO cho biết hiện nay nguồn cung gạo thế giới còn khá dồi dào và nguồn cung lúa mỳ sẵn có cho thấy tình hình lương thực thế giới chưa rơi vào tình trạng nghiêm trọng như 4-5 năm về trước. Hơn nữa, tình hình sản xuất lúa gạo thế giới hiện nay vẫn khá thuận lợi. Vì thế ông cho rằng còn quá sớm để nói đến một cuộc khủng hoảng lương thực mới.
Tuy nhiên, ông Abbassian cũng cảnh báo nhịp độ tăng giá lương thực đang tăng lên và hầu như chưa có dấu hiệu giảm là yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là đối với các mặt hàng ngô, đậu tương và lúa mì.
Giá ngô tại Mỹ đã tăng hơn 55% trong vòng 5 tuần qua khi đợt hạn hán tồi tệ nhất 56 năm đang tàn phá mùa màng tại vùng trồng trọt chính của nước này. Giá xuất khẩu ngô và lúa mỳ tăng 20% trong 3 tuần đầu của tháng 7 so với mức giá tháng 6.
Giá lương thực tăng cao, đồng USD mạnh hơn so với euro và tình hình kinh tế các nước châu Âu suy giảm sẽ là đòn giáng mạnh lên các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước phải nhập khẩu lương thực, ông Abbassian cho biết.
FAO dự báo nguồn cung ngũ cốc niên vụ hiện tại sẽ bị thắt chặt do ngô Mỹ mất mùa. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm dự báo sản lượng ngô năm nay.
Nguồn Khampha