Thứ Sáu | 09/08/2013 14:40

FAO: Chỉ số giá lương thực toàn cầu giảm 3 tháng liên tiếp

FAO vừa công bố chỉ số giá lương thực tháng 7 giảm gần 2% so với tháng 6 và giảm 3,3% so với tháng 7 năm ngoái.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa công bố báo cáo giá lương thực thế giới tháng 7 ngày hôm qua. Theo đó, chỉ số giá trung bình tháng 7 là 205,9 điểm, giảm 4 điểm tương đương 2% so với tháng 6 và giảm 7 điểm hay 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO là chỉ số đo lường mức độ thay đổi về giá hàng tháng của 55 loại lương thực thực phẩm trên thế giới, được tính bằng trung bình của 5 chỉ số chính bao gồm ngũ cốc, dầu ăn/chất béo, các loại thịt, đường và sữa.

Tất cả 5 chỉ số thành phần đều giảm trong tháng 7.
Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO năm 2013 (đường màu đỏ)


Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc là 227,7 điểm, giảm 8,8 điểm tương đương 3,7% so với tháng 6 và giảm mạnh tới 33 điểm (13%) so với tháng 7/2012. Sự giảm nhanh giá ngũ cốc dẫn đầu là giá ngô do thời tiết thuận lợi hỗ trợ đáng kể triển vọng thu hoạch tại các nước sản xuất chính. Giá lúa mỳ cũng giảm nhưng không giảm quá sâu do nhu cầu xuất nhập khẩu mạnh. Giá gạo thay đổi khác nhau từ theo nguồn gốc xuất xứ, giá gạo Thái Lan giảm trong khi giá gạo từ Việt Nam tăng.

Chỉ số dầu/chất béo đạt trung bình 191 điểm giảm 3,3% so với tháng 6 và là mức thấp nhất 3 năm qua. Cả 2 loại dầu đậu nành và dầu cọ đều giảm. Nguồn cung dầu đậu nành dồi dào, đặc biệt từ Argentina trong khi nhu cầu yếu tính cả cầu cho sản xuất năng lượng sinh học, cộng với triển vọng sản lượng đậu tương cao tại Mỹ là những nguyên nhân khiến giá dầu đậu nành giảm. Giá dầu cọ cũng thấp đi do nhu cầu nhập khẩu Trung Quốc yếu đi. Giá dầu nho và dầu hướng dân cũng giảm do dự báo cung niên vụ 2013/2014 cải thiện đáng kể.

Chỉ số giá sữa là 263,3 điểm, giảm 1,1% so với tháng 6. Giá sữa giảm nhưng tỷ lệ giảm vẫn thấp hơn 2 tháng trước đó do nguồn cung hạn chế tại khu vực Châu Đại Dương và tình trạng sản xuất trì trệ tại châu Âu, Nam Mỹ và Hoa Kỳ.

Chỉ số giá thịt là 173,3 điểm, gần như không đổi so với tháng 6. Giá thịt gà và thịt lợn giảm, trong khi thịt cừu và thịt bò tăng giá. Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ thịt có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt từ các nước châu Á.

Chỉ số giá đường là 239 điểm, giảm 1,5% so với tháng 6. Giá đường giảm tháng thứ 4 liên tiếp do khả năng dư thừa cung lớn từ các nước sản xuất chính, đặc biệt là Brazil.

Nguồn Dân Việt/FAO


Sự kiện