Eximbank và áp lực cho người kế vị
Hai năm cuối trong giai đoạn 2010-2015 là một nốt lặng buồn đối với Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ V của Ngân hàng Eximbank ( EIB), đặc biệt đối với Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Mức lợi nhuận giảm thấp không tương xứng với quy mô, cũng như việc không chia cổ tức đã khiến cổ đông bức xúc trong kỳ đại hội cổ đông thường niên Eximbank mới đây. Đại hội cũng kết thúc trong sự tiếc nuối, bởi những nhân tố mới vẫn chưa xuất hiện.
Khổ vì trích lập dự phòng
Hiếm có đại hội cổ đông nào nóng ngay từ những phút đầu tiên, khi cổ đông yêu cầu phải sửa đổi điều lệ tổ chức đại hội. Cụ thể, họ yêu cầu có quyền phát biểu ý kiến ngay tại Đại hội mà không cần phải đăng ký trước, cũng như được bổ sung thêm 3 cổ đông cá nhân vào Ban kiểm phiếu.
Phản ứng mạnh mẽ của cổ đông Eximbank ngay từ đầu phiên họp đã cho thấy mức độ quan tâm của cổ đông đến tình hình hoạt động của Ngân hàng trong thời gian qua. Với gần 3 giờ chất vấn và thảo luận, vấn đề xoay quanh vẫn là vì sao lợi nhuận Eximbank lại quá thấp đến như vậy, dẫn đến hệ quả là không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý chia cổ tức.
Phần lớn cổ đông bày tỏ sự không hài lòng, trong đó có cổ đông còn nhấn mạnh đến từ “tồi tệ” về kết quả kinh doanh của Eximbank. Theo báo cáo của Ban điều hành, lợi nhuận trước thuế năm 2014 chỉ đạt 69 tỉ đồng, hoàn thành được 3,8% so với kế hoạch. So với một ngân hàng khác có cùng quy mô tương đương là Techcombank thì kém xa. Năm 2014, Techcombank đạt 1.417 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi năm 2013 hai ngân hàng này có quy mô lợi nhuận tương đương (đều hơn 800 tỉ đồng).
Ông Phạm Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc Eximbank, giải thích trước Đại hội rằng lợi nhuận thấp không phải vì hoạt động kinh doanh có vấn đề, mà bởi vì nợ xấu quá nhiều. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của Eximbank đạt hơn 894 tỉ đồng, giảm 20,7% so với năm trước đó. Riêng chi phí dự phòng rủi ro trong năm nay đã lên đến 825 tỉ đồng, trong khi con số năm ngoái chỉ hơn 300 tỉ đồng.
Không chỉ trích lập dự phòng các khoản vay, Eximbank còn phải trích lập dự phòng cho khoản nợ đã bán cho VAMC. Kể từ khi quay trở lại nhậm chức Tổng Giám đốc, ông Phú tự nhận một thành tựu của Eximbank trong năm qua là bán tới 4.000 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong 6 tháng cuối năm. Con số này so với các ngân hàng thương mại có quy mô tương đương khác là khá cao. Chẳng hạn như ở Sacombank, dù con số tuyệt đối lớn hơn (4.349 tỉ đồng) nhưng quy mô tín dụng của Sacombank lại lớn hơn nhiều, hoặc ACB cũng chỉ bán 1.043 tỉ đồng nợ xấu.
Bên cạnh lý do khách quan là tình hình thị trường đi xuống, đại diện của Eximbank cũng thừa nhận một lý do chủ quan khiến Ngân hàng rơi vào cảnh xử lý nợ quá hạn quá nhiều là tín dụng tăng trưởng nóng. Việc giao cho các giám đốc chi nhánh thẩm quyền quá lớn khiến cho Eximbank gặp khó, nhất là khi không kiểm soát được khâu hậu cho vay. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng lại chia cổ tức hết cho cổ đông với tổng tỉ lệ chi trả lên đến hơn 87% trong giai đoạn 2010-2014. Theo ông Phú, đây là mức cao so với các ngân hàng khác. Ông Phú cho rằng chuyện chia cổ tức cao trong quá khứ đã dẫn tới việc quỹ dự trữ cho Ngân hàng không còn nhiều và do đó, Ngân hàng thiếu nền tảng để phát triển thêm.
Dù vậy, ông Phú cho rằng câu chuyện phục hồi của Eximbank như vậy là đáng mừng. “Số liệu về nợ xấu là thực”, ông Phú cho biết và khá tin tưởng vào con đường sắp tới. Năm 2015, Eximbank đặt mục tiêu 1.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, chỉ tiêu nói trên sẽ là một thách thức lớn đối với Eximbank. Trong khi đó, theo đại diện Eximbank, con số này hoàn toàn khả thi vì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dự kiến có khả năng lên đến 2.400 tỉ đồng và Ngân hàng chỉ còn trích lập thêm 1.000 tỉ đồng vì tiếp tục bán nợ cho VAMC.
Tuy nhiên, chuyện bán nợ chỉ mới là bước đầu đối với Eximbank, vì bán nợ chỉ là để đưa tỉ lệ nợ xấu xuống; Ngân hàng vẫn phải trực tiếp làm sạch sổ sách bằng cách xử lý nợ như thu hồi, sử dụng trích lập hay bán tài sản đảm bảo. “Sau khi làm sạch sổ sách, chúng tôi sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn”, ông Phú khẳng định. Tính đến ngày 30.6.2015, tỉ lệ nợ xấu của Eximbank ở mức 2,82%, tăng so với mức 2,46% hồi cuối năm ngoái.
Dù vậy, có một cổ đông tham gia đại hội đã nhận xét rằng, chuyện cổ tức không chia rồi cũng sẽ là quá khứ, nhưng câu chuyện xử lý nợ xấu hiện tại của Eximbank mới là quan trọng. Và quan trọng hơn là ai sẽ dẫn dắt Eximbank xử lý các vấn đề nội tại, trong đó có nợ xấu.
Ai sẽ kế nhiệm?
Cho đến thời điểm hiện tại, nhân sự cấp cao ở Eximbank vẫn là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất. Việc hoãn Đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng cũng chính là vì cơ cấu nhân sự cấp cao vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Cổ đông vẫn sẽ phải chờ đến kỳ đại hội bất thường của Eximbank trong vài tháng tới.
Trong quá khứ, chuyện nhân sự cũng đã nhiều lần khiến Eximbank “điêu đứng”. Từ năm 2013 cho đến nay, Eximbank đã thay đến 3 đời tổng giám đốc, cũng như thay thế, bổ nhiệm lại nhiều cấp phó.
Kể từ khi ông Lê Hùng Dũng chính thức về với Eximbank trong nhiệm kỳ 2010-2015, điều làm ông tự hào là lợi nhuận làm ra năm đó vượt chỉ tiêu, lên đến 2.380 tỉ đồng, trong khi thời điểm tháng 5.2010 ông về thì Eximbank chỉ mới chỉ đi được 1/3 quãng đường, theo lời ông chia sẻ trước đây với NCĐT. Đến hết năm 2011, tổng tài sản của Eximbank đạt 183.000 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần và chính thức ghi tên trong danh sách tốp 5 ngân hàng tư nhân có quy mô lớn.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết sẽ không tham gia ứng cử Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ tới - Ảnh: Bảo Trọng |
Xuất phát điểm của ông Dũng là từ Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC). Vì vậy, cũng dễ hiểu khi con đường tăng trưởng quy mô tài sản nhanh chóng của Eximbank ngoài tín dụng còn có vàng và thị trường liên ngân hàng. Nhưng khi hai thị trường này bị hạn chế, chuyện Eximbank gặp trục trặc cũng là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, đáng ghi nhận ở Eximbank trong giai đoạn này có lẽ là thương hiệu được mở rộng rất nhanh. Ông Dũng cũng là người có tham vọng lớn, khi từng ấp ủ việc sáp nhập với Sacombank để tạo ra một ngân hàng tư nhân vượt trội hơn so với thị trường. Nhưng tham vọng này dường như khó thành hiện thực, không chỉ bởi vì Sacombank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, mà là vì ông sẽ không còn giữ vai trò đầu tàu ở Eximbank. “Tôi sẽ không tham gia ứng cử Hội đồng Quản trị trong nhiệm kỳ tới”, ông Dũng cho biết.
Từ năm 2014, ông Dũng đã không còn đại diện phần vốn cho SJC và nay ông cũng đã hết nhiệm kỳ. Theo tài liệu về nhân sự Hội đồng Quản trị trong nhiệm kỳ mới (2015 – 2019), có hai đại diện quen thuộc trong ngành ngân hàng là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á. Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Quốc Toàn cũng vừa từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Nam Á trong kỳ đại hội cổ đông bất thường gần đây. Những diễn biến này khiến thị trường đồn đoán về cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới ở Eximbank.
Giữa lúc đó, trên thị trường chứng khoán, những giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Eximbank vẫn diễn ra với số lượng lớn. Cụ thể, gần đây nhất là phiên giao dịch ngày 10.7, có hơn 40 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank đã được trao tay, đưa tổng số cổ phiếu giao dịch lên mức hơn 58.4 triệu cổ phiếu kể từ đầu tháng 7. Tính chung từ đầu năm đến nay, số lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận thành công chiếm hơn 18,7% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank.
Thanh Phong