Eximbank từ chối thanh toán hợp đồng bảo lãnh?
Ngày 12/7/2012, ngân hàng Eximbank đã phát hành chứng thư bảo lãnh số 1401/GTA-120700030 bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán của Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài. Theo chứng thư này, Eximbank sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng trong phạm vi 17 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán hàng hóa trong trường hợp Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài vi phạm nghĩa vụ thanh toán và Công ty Ngôi Sao Xanh có thư đòi tiền. Thư bảo lãnh có thời hạn đến ngày 10/2/2013.
Thực hiện hợp đồng mua bán trên, Công ty Ngôi Sao Xanh đã 5 lần giao hàng cho Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài hơn 3.233 tấn khí gas hóa lỏng, trị giá hơn 83,6 tỷ đồng. Đến hết ngày 4/2/2013, Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài cũng đã thanh toán được số tiền hơn 61,5 tỷ đồng cho Công ty Ngôi Sao Xanh. Đến lô hàng cuối cùng được giao ngày 25/12/2012, Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài vi phạm nghĩa vụ thanh toán, chậm trả hơn 22 tỷ đồng.
Trước việc bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngày 7/2/2013, Công ty Ngôi Sao Xanh đã phát hành thư đòi tiền, yêu cầu Eximbank thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh trả số tiền 17 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 22 tỷ mà Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài còn nợ Công ty Ngôi Sao Xanh. Nhận được văn bản này, Eximbank cũng đã có phản hồi và “hứa” sẽ phúc đáp yêu cầu của Công ty Ngôi Sao Xanh vào ngày 28/2/2013.
Tuy nhiên, sau đó Eximbank "lờ" việc thanh toán tiền hàng theo yêu cầu của Công ty Ngôi Sao Xanh và cũng không có phản hồi gì như cam kết trước đó. Ngày 20/3/2013, Công ty Ngôi Sao Xanh lại phải tiếp tục nhắc lại yêu cầu đòi Eximbank phải thanh toán 17 tỷ đồng mà Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài còn nợ.
Ngày 4/4/2013, Eximbank có một thông báo bất ngờ cho Công ty Ngôi Sao Xanh là ngân hàng này không còn nghĩa vụ phải thanh toán tiền cho Công ty Ngôi Sao Xanh vì Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài “đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán”.
Ngân hàng Eximbank viện dẫn các lần Công ty nhựa tổng hợp Thành Tài chuyển tiền cho Công ty Ngôi Sao Xanh trong tháng 10/2012 để khẳng định, bên mua đã trả tiền cho Công ty Ngôi Sao Xanh và ngân hàng cũng hết trách nhiệm. Sau đó, Eximbank còn gửi cho Công ty Ngôi Sao Xanh một thông báo hoàn thành nghĩa vụ thanh toán do ngân hàng này phát hành từ tháng 10/2012.
Ngoài ra, Eximbank còn viện dẫn một câu trong chứng thư bảo lãnh là “nghĩa vụ của ngân hàng sẽ giảm dần tương ứng với mỗi khoản thanh toán của bên được bảo lãnh” để từ chối thanh toán.
Đại diện Công ty Ngôi Sao Xanh cho biết, nếu Eximbank không nhìn nhận đúng đắn và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ bảo lãnh thì Công ty sẽ khởi kiện ra tòa để buộc ngân hàng phải có trách nhiệm với chứng thư bảo lãnh đã phát hành.
Xung quanh việc Eximbank chối bỏ nghĩa vụ bảo lãnh,PVcó cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng VPLS Trí Việt về vấn đề trách nhiệm của bên bảo hãnh đối với chứng thư mà họ phát hành:- Theo tôi, cách từ chối thực hiện nghĩa vụ như trên là không thuyết phục. Theo chứng thư bảo lãnh cũng như quy định của pháp luật dân sự về bảo lãnh, quy định về bảo lãnh ngân hàng thì nghĩa vụ của bên bảo lãnh (ngân hàng) chỉ phát sinh khi bên được bảo lãnh (bên mua hàng) vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Vì thế, nếu bên mua đã trả hết tiền thì không phát sinh nghĩa vụ của bên bảo lãnh và bên bán không có căn cứ để đòi ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ.Trong thời hạn có hiệu lực của chứng thư bảo lãnh, ngân hàng phải chịu trách nhiệm đối với cam kết bảo lãnh của ngân hàng. Do đó, nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh trong thời hạn bảo lãnh có hiệu lực thì ngân hàng không thể chối bỏ.- Theo quy định tại Điều 371 Bộ Luật Dân sự, Điều 21, 25 Thông tư số 28/2012/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng thì bên bảo lãnh không được đơn phương chấm dứt cam kết bảo lãnh. Vì thế, việc Eximbank có thông báo nghĩa vụ bảo lãnh đã hoàn tất trong khi hiệu lực của bảo lãnh vẫn còn, nghĩa vụ được bảo lãnh vẫn phát sinh là không đúng nên thông báo này không có giá trị.Hơn nữa, thông báo này cũng được phát hành không đúng vì nó không được giao cho các bên vào thời điểm phát hành mà đến khi tranh chấp về nghĩa vụ bảo lãnh xảy ra thì thư này mới được công bố. Do đó, nó không đủ căn cứ để miễn trừ trách nhiệm bảo lãnh. |
Nguồn Phapluatvn