Ảnh: QH.

 
Thiên Phong Thứ Ba | 07/05/2019 10:00

Eximbank “nội chiến”

Đã 5 năm qua, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank vẫn diễn ra căng thẳng.

Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 35 năm 2019 mới đây của Eximbank không thể diễn ra vì không đủ cổ đông tham gia. Theo đó, chỉ 199 cổ đông, đại diện cho 57,66% số cổ phần biểu quyết đăng ký tham dự, chưa đủ tỉ lệ tối thiểu 65% theo quy định Luật Doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ sớm đưa lịch Đại hội lần 2 trong vòng 30 ngày, khi đó tỉ lệ tham gia chỉ cần trên 51%.

Đây không phải là lần đầu tiên Đại hội cổ đông của một ngân hàng có thương hiệu lớn diễn ra bất thành. Các kỳ đại hội trước đây của Ngân hàng đều phải tổ chức “5 lần 7 lượt” mới được. Lý do rất đa dạng, từ không đủ cổ đông tham gia, dời họp bất thường trước 1 ngày vì chờ cơ quan quản lý duyệt nhân sự cấp cao, rồi đến khi tổ chức được thì các cổ đông lại không thông qua các vấn đề nghị sự mà Hội đồng Quản trị đưa ra...

Nhìn chung, giai đoạn căng thẳng nhất là vào năm 2015-2016, khi nhân sự Hội đồng Quản trị cũ trước đó kết thúc nhiệm kỳ. Năm 2015 cũng là thời điểm bắt đầu xuất hiện thông tin việc sáp nhập Ngân hàng Nam Á và Eximbank. Danh sách ứng cử vào Hội đồng Quản trị khi đó cũng có 2 thành viên trước đó công tác tại Ngân hàng Nam Á. Đến năm 2018, vấn đề dường như đã lắng xuống. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông 2019, mới thấy rõ vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank chưa bao giờ kết thúc.

Eximbank “noi chien”
 

Cứ mỗi khi có tranh chấp trước kỳ đại hội là cổ phiếu EIB của Eximbank lại biến động mạnh. Trên sàn chứng khoán, các giao dịch cổ phiếu EIB trở thành tâm điểm trên thị trường với nhiều phiên giao dịch thỏa thuận lẫn khớp lệnh trên sàn. Tính từ đầu năm, giá EIB tăng hơn 22%, hiện ở mức 17.250 đồng/cổ phiếu.

Vào đầu tháng 4, các phiên giao dịch đột biến bắt đầu xuất hiện, mỗi phiên ước khoảng 40-60 triệu cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị gần cả ngàn tỉ đồng. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, đã có đến 211 triệu cổ phiếu EIB sang tay (tương đương hơn 17% cổ phần). Còn thống kê từ đầu năm, đã có 440 triệu cổ phiếu (chiếm 35,77%) EIB giao dịch thành công trên sàn, trong khi con số cả năm 2018 là 655 triệu, năm 2017 chỉ có 327 triệu.

Như thường lệ, cứ trước kỳ đại hội thì các nhóm nhà đầu tư lại âm thầm thâu tóm cổ phiếu để chiếm số phiếu bầu. Với diễn biến hiện tại, các nhóm nhà đầu tư lớn tại Eximbank hẳn đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, một cổ đông lớn khác là Vietcombank cũng đã thoái vốn, chỉ còn tỉ lệ 4,84% để đảm bảo quy định của cơ quan quản lý. Hiện nay, cổ đông chiến lược Nhật Sumitomo Mitsui Banking Corporation vẫn nắm giữ 15% cổ phần và có 2 đại diện trong Hội đồng Quản trị.

Eximbank “noi chien”
 

Trong khi đó, một thông tin mới đây cho biết phía người bán rất có thể là nhóm cổ đông liên quan đến Ngân hàng Nam Á. Sau những toan tính M&A không thành công, một nguồn tin trong Ngân hàng Nam Á cho biết nhóm nhà đầu tư này chuẩn bị hoàn tất thoái vốn khỏi Eximbank. Các đợt thoái vốn diễn ra liên tục từ năm ngoái đến năm nay. Nguồn tin này cho biết hiện Ngân hàng Nam Á chỉ tập trung đẩy nhanh niêm yết trên sàn chứng khoán và gọi thêm vốn ngoại.

Nhóm cổ đông này đầu tư vào Eximbank từ năm 2014, với tỉ lệ chưa được xác định vì có thể có nhiều khoản sở hữu đứng tên hộ. Tuy nhiên, qua liên tiếp các mùa đại hội cổ đông từ năm 2015-2016, nhóm nhà đầu tư này thất bại trong việc đưa đại diện vào Hội đồng Quản trị của Eximbank, mà lý do là vì Đại hội cổ đông bất thành liên tục, hay các nghị quyết không được cổ đông chấp thuận.

Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á, đã được bầu là thành viên Hội đồng Quản trị Eximbank. Năm ngoái, bà Tú đã mua 13,8 triệu cổ phiếu (hơn 1,12% cổ phần), khác biệt hẳn so với nhiều thành viên Hội đồng Quản trị hiện tại không sở hữu cổ phiếu chính thức. Trước khi về với Ngân hàng Nam Á, bà Tú công tác tại Sacombank giai đoạn trước khi có Ngân hàng Phương Nam của ông Trầm Bê sáp nhập vào.

Eximbank “noi chien”
 

Mới đây, Eximbank lại tiếp tục lùm xùm vị trí lãnh đạo trước kỳ đại hội. Theo đó, hồi cuối tháng 3, ngân hàng này công bố quyết định bổ nhiệm bà Tú giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị thay cho ông Lê Minh Quốc bị bãi nhiệm. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Quốc đã phản ứng, cho rằng quyết định trên không có tính pháp lý và cáo buộc một nhóm thành viên luôn gây khó khăn cho ông trong công tác điều hành.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019, ông Lê Minh Quốc vẫn được ghi nhận giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank. Nhiệm kỳ giai đoạn 2015-2020 đã sắp kết thúc nhưng trong cuộc chiến ngầm thâu tóm cổ phiếu EIB từ năm 2014 đến nay, chiếc ghế này chưa khi nào bớt nóng.

Trong bối cảnh này, nhiều cổ đông tham gia đại hội chỉ biết tặc lưỡi tiếc nuối về Ngân hàng, mong mỏi sớm yên ổn nhân sự cấp cao để còn tính chuyện tái cấu trúc và phát triển lâu dài. Eximbank nhiều năm qua cũng liên quan đến nhiều sự vụ mất tiền gửi tai tiếng, hệ thống quản trị từ trên xuống được đánh giá là có nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Ngân hàng này vẫn đang triển khai dự án New Eximbank, do đại diện cổ đông chiến lược Nhật phụ trách. Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng trưởng 30%, lên 1.077 tỉ đồng; tổng tài sản đạt trên 181.000 tỉ đồng; cấp tín dụng tăng trưởng 11%.