Eximbank "hậu thuẫn" cho Bầu Kiên như thế nào?
Khi những sai phạm của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại Ngân hàng ACB bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện thì Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã gây sự chú ý khá lớn của dư luận. Lý do là vì, ông Phạm Trung Cang - một trong những người liên quan và bị truy tố trong đại án Bầu Kiên từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank.
Trước khi sang đầu quân cho Eximbank, Phạm Trung Cang từng giữ những chức vụ quan trọng tại Ngân hàng ACB. Vào tháng 9/2012, không lâu sau khi Nguyễn Đức Kiên bị bắt, mặc dù hành vi phạm tội thời còn ở ACB chưa bị phát giác, nhưng ông Cang đã tự xin từ nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT và các chức vụ khác trong các hội đồng của Eximbank.
Sau đó, Phạm Trung Cang đã bị Cơ quan CSĐT khởi tố, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng số 09 ngày 27//2014 của VKSND Tối cao cho thấy, Phạm Trung Cang, với tư cách là phó chủ tịch HĐQT ACB và có nhiều năm làm công tác quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của ACB, nhưng đã tham gia việc thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật gây thiệt hại 1.406 tỉ đồng cho ACB. Hành vi của Phạm Trung Cang đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Vào tháng 3/2014 vừa qua, khi vụ án Bầu Kiên chuẩn bị được đưa ra xét xử thì dư luận lại xôn xao trước thông tin ông Phạm Trung Cang đang lâm vào cảnh nợ nần. Theo tờ Một thế giới đưa tin, vào tháng 8/2012, Công ty TNHH Nhựa Đại Hưng mà Phạm Trung Cang sáng lập đã đàm phán với Ngân hàng Sacombank về việc vay vốn tín dụng kinh doanh hạt nhựa và được ngân hàng đồng ý.
Mặc dù dòng tiền lúc này của công ty chỉ chủ yếu có từ hoạt động cho thuê văn phòng, bị đánh giá là nguồn thu không đáng kể. Tuy nhiên, Sacombank vẫn mở rộng cửa cho phép công ty này được vay vốn tín chấp với số tiền lên đến 660 tỉ đồng, gấp 4 lần vốn điều lệ, gấp 165 lợi nhuận gộp của công ty trong năm 2011.
Được biết, Phạm Trung Cang có khá nhiều mối liên quan đến ông Phạm Hữu Phú - Chủ tịch HĐQT Sacombank khi đó. Ông Phú cũng từng là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank như ông Cang. Được biết, vào tháng 3 vừa qua, ông Phạm Hữu Phú cũng đã xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Sacombank vì lý do cá nhân.
Cơ quan chức năng đang xem xét xử lý hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần của Eximbank và các ngân hàng khác.
Trở lại với Ngân hàng Eximbank, trong thời gian tới, nhiều khả năng ngân hàng này đang phải đối mặt với án phạt của cơ quan chức năng liên quan đến hành vị nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần trong đại án Bầu Kiên.
Trước đó, Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thể hiện rõ việc Eximbank và 25 ngân hàng khác đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ một số nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty do ACB ủy thác.
Ngày 19/7/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, xác định sai phạm và đề nghị xử lý các cá nhân liên quan tại các ngân hàng đã có có hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần nói trên.
Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, trong khi số lượng ngân hàng liên quan nhiều nên ngày 1/8/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Quyết định tách vụ án hình sự số 06/C46-P10 đối với hành vi nhận tiền gửi vượt trần của 26 ngân hàng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần nói trên, Eximbank còn được nhắc tới khá nhiều trong hoạt động kinh doanh trái phép của Bầu Kiên.
Cụ thể, theo cao trạng số 09, mặc dù Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội của Nguyễn Đức Kiên không được phép kinh doanh tài chính nhưng ông bầu này vẫn chỉ đạo sử dụng hơn 1,4 nghìn tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu của một số ngân hàng. Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 6/2011, Công ty ACI-HN đã sử dụng 234.010.843.476 đồng để mua 15.770.800 cổ phiếu Eximbank trên sàn giao dịch chứng khoán.
Cũng giống trường hợp Công ty Tài Chính Á Châu Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) không được phép kinh doanh tài chính. Tuy nhiên, ngày 26/4/2008, Công ty ACBI đã chuyển 100 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI) vay để mua cổ phiếu Ngân hàng Eximbank.
Nguồn Pháp Luật Online