Eximbank “đình chiến”
Việc chọn ra lãnh đạo cấp cao mới mở ra hồi kết cho cuộc tranh chấp thượng tầng giữa các nhóm cổ đông đã kéo dài nhiều năm qua.
“Cuối cùng cũng tổ chức được đại hội” là câu mà ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tọa đoàn, phát biểu sau khi Đại hội đồng cổ đông Eximbank diễn ra ngày 15/2. Đây là điều gây chú ý vì tính từ năm 2015, trong suốt quá trình diễn ra tranh chấp quyền lực giữa các nhóm cổ đông, tính ra ngân hàng này đã dời, hoãn, tổ chức bất thành khoảng 11 lần.
Ghế Chủ tịch có người mới
Đại hội vừa qua cũng là một đại hội mà có tỉ lệ “tập quyền” rất cao, với khoảng 146 cổ đông tham dự nhưng đã chiếm đến 94,6% số cổ phần có quyền biểu quyết. Kết quả cuộc họp là cấp “thượng tầng” của Eximbank trong nhiệm kỳ VII (giai đoạn 2020-2025) chính thức “bước ra” từ danh sách đề cử đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Theo đó, các thành viên Hội đồng Quản trị được thông qua gồm ông Nguyễn Thanh Hùng, bà Đỗ Hà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Võ Quang Hiển, ông Nguyễn Hiếu, ông Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại (thành viên Hội đồng Quản trị độc lập). 2 ngày sau cuộc họp Đại hội cổ đông, Eximbank tiếp tục công bố thông tin bầu chức danh nhân sự cấp cao. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị, còn ông Ngô Tony giữ chức danh Trưởng Ban kiểm soát.
Nói bà Tú là “tân Chủ tịch” thì cũng không hẳn, vì vào khoảng tháng 3/2019, bà Tú từng được bầu là Chủ tịch nhưng sau đó lùm xùm việc bãi nhiệm với ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị khi đó. Chiếc ghế nóng này cũng ghi nhận nhiều kỷ lục đổi tên, sau đó lần lượt là ông Cao Xuân, ông Yasuhiro Saitoh, trong đó có cả ông Nguyễn Quang Thông với thời gian đảm nhiệm... chưa đến 1 tiếng.
Lộn xộn tờ trình bổ nhiệm và bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Eximbank trong nhiều năm qua cho thấy cuộc chiến thượng tầng ở Ngân hàng rất khốc liệt. Cuộc chiến này có lẽ chính thức bắt đầu từ năm 2015, khi cựu Chủ tịch Lê Hùng Dũng rút lui. Nhóm cổ đông sau đó muốn đưa người vào Hội đồng Quản trị và từ đó liên tục gây tranh cãi, tổ chức đại hội bất thành. Đến cuối năm 2015, Eximbank mới có danh sách thành viên nhiệm kỳ IV, nhưng giai đoạn 2016-2018 lại tiếp tục ồn ào, cổ đông đưa ra hàng loạt yêu cầu thay thế thành viên Hội đồng Quản trị đương nhiệm, đỉnh điểm là vào tháng 3/2019 khi diễn ra sự việc giữa bà Tú và ông Quốc.
Đã phá vỡ được thế “cân bằng”?
Nhìn vậy để thấy được rằng ai ngồi trên chiếc ghế nóng Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Eximbank đều không đơn giản, nhưng ngược lại, dường như lần đại hội này bầu chọn Chủ tịch được cho là khá dễ dàng. Các cổ đông cũng chẳng thể hiện ý kiến gì trong cuộc họp đại hội vừa qua, trong bối cảnh mức ủy quyền là rất cô đặc. Liệu chăng đã có cuộc thỏa thuận ngầm giữa các nhóm cổ đông với nhau?
Theo danh sách đề cử của Ngân hàng, bà Tú được nhóm cổ đông gồm 5 cổ đông cá nhân và Công ty Chứng khoán Bảo Minh đề cử. Trong nhiều năm qua, 2 nhóm cổ đông được nhắc đến nhiều nhất là Tập đoàn Hoàn Cầu (có liên quan đến Ngân hàng Nam Á) và nhóm Tập đoàn Thành Công và Âu Lạc. Trạng thái cân bằng trước đó được thiết lập do các nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phần gần tương đồng nhau, đủ quyền phủ quyết nên khó có thể quyết định mọi việc.
Theo tìm hiểu, cả 7 thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới được phân ra thành 3 nhóm cổ đông, trong đó có 2 nhóm cân bằng 3 người cùng đại diện SMBC. Bên cạnh nhóm Tập đoàn Hoàn Cầu, Tập đoàn Thành Công, nay có thêm sự xuất hiện của nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn BCG, cũng là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tài chính - bất động sản. Tổng tỉ lệ sở hữu của các nhóm này không chênh nhau quá nhiều.
Danh sách thành viên nhiệm kỳ VII này có một đặc điểm khác trước. Trước đó, những đại diện Hội đồng Quản trị thường không sở hữu cổ phiếu nào tại Ngân hàng, có thể là thành viên lâu năm, ngân hàng khác biệt phái hay thậm chí là “đổi vai” như trường hợp cựu Chủ tịch Saitoh trước đó là do cổ đông ngoại SMBC đề cử, sau đó đã phải phát ngôn đính chính. Còn ngày nay, Chủ tịch Hội đồng Quản trị đứng tên sở hữu khoảng trên 1% cổ phần ngân hàng.
15% cổ phần mà cổ đông ngoại Nhật SMBC nắm giữ hiện được xem là nhân tố có thể giúp phá vỡ thế cân bằng giữa các nhóm cổ đông. Hồi đầu tháng 2, nhóm cổ đông này cũng tuyên bố chấm dứt hợp tác chiến lược từ năm 2007 với Eximbank, đồng nghĩa với việc mở cánh cửa thoái lui, dù vẫn có đại diện là ông Hiển tham gia Hội đồng Quản trị. Trước đó, một công ty con của SMBC đã rót vốn vào FE Credit trong thương vụ tỉ USD, cũng như mở cánh cửa khác cho việc hợp tác với VPBank, ngân hàng đang “trải thảm” đón khối ngoại.
Dù nhiều nội dung tại đại hội vẫn chưa được thông qua, nhưng dường như các cổ đông nhỏ lẻ phần nào cảm thấy cánh cửa “hồi sinh” cho Eximbank đang dần được hé mở. Thế nhưng, sóng ngầm rõ ràng vẫn chưa dứt với số cổ phần mang tính quyết định của SMBC, vấn đề tiếp theo là khối ngoại này sẽ bán cho ai và với giá nào?
15% cổ phần mà cổ đông ngoại Nhật SMBC nắm giữ hiện được xem là nhân tố có thể giúp phá vỡ thế cân bằng giữa các nhóm cổ đông. |
Diễn biến đại hội phía sau lại khá bất ngờ hơn khi chỉ có 5 tờ trình khác được thông qua, đều có liên quan đến việc chỉnh sửa bổ sung các quy chế liên quan đến Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát. Trong khi đó, 26 tờ trình khác lại bị phủ quyết, với rất nhiều nội dung trong đó liên quan đến các hoạt động kinh doanh. Cần nhớ rằng đã từ lâu đại hội Eximbank không thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh lẫn không có vị trí Tổng Giám đốc đúng nghĩa.
Xét về góc độ kinh doanh, cuộc chiến giành quyền lực đã đẩy Eximbank vào tình trạng bất ổn trong hơn 5 năm qua. Nếu tính cả giai đoạn 2012-2015 thị trường ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nợ xấu thì đã gần một thập kỷ, ngân hàng này đi lùi so với nhiều ngân hàng khác. Từ một ngân hàng thuộc top đầu ngành, nay lợi nhuận làm ra chỉ khoảng 1.200 tỉ đồng, một con số rất khiêm tốn so với nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn khác.
Trong bản kế hoạch hoạt động được Hội đồng Quản trị thông qua vào đầu năm nay (chưa được Đại hội cổ đông thông qua), lợi nhuận trước thuế dự kiến lên đến 2.500 tỉ đồng, tức tăng gấp hơn 2 lần so với mức thực hiện năm ngoái. Dù vậy, điểm tích cực là khoản lợi nhuận trong nhiều năm qua được Eximbank trích lập xử lý nợ xấu. Trong kỳ đại hội vừa qua, lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết đã đủ điều kiện để Eximbank chia cổ tức, thậm chí có thể lên đến “2 con số”. Lần gần nhất Ngân hàng chia cổ tức là vào năm 2013 với tỉ lệ 4%.