Eximbank có Tổng giám đốc mới
Điểm đặc biệt, ông Lê Hùng Dũng hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Eximbank nhưng lại có tên trong danh sách ứng cử mới. Giải thích cho điều này ông Dũng cho biết do ông đã đến tuổi hưu và không còn là đại diện vốn của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC tại Eximbank, đương nhiên cũng mất tư cách tại HĐQT. Được biết, tại kỳ Đại hội này, ông Dũng được 3 cổ đông thể nhân và 1 pháp nhân sở hữu 128,68 triệu cp – 10,4% EIB đề cử.
Kết quả họp HĐQT ngay sau Đại hội, nhất trí bầu các chức danh:
1. Ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT
2. Ông Phạm Hữu Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (ông Nguyễn Quốc Hương từ nhiệm Tổng giám đốc)
Ông Phú trước đây từng là Phó Chủ tịch Eximbank trước khi được điều động qua Sacombank (STB) giữ chức Chủ tịch HĐQT và là đại diện vốn của Eximbank tại Sacombank, ông Phú từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Sacombank từ ngày 24/03/2014 do Eximbank điều động ông trở về ngân hàng này.
3. Ông Đặng Phước Dừa – Phó Chủ tịch HĐQT
12h50: Đại hội kết thúc và thông qua tất cả các tờ trình
Kết quả bầu cử HĐQT:
1. Ông Lê Hùng Dũng: 94%
2. Ông Đặng Phước Dừa: 91,3%
3. Ông Phạm Hữu Phú: 112,2%
Kết quả bầu cử Ban kiểm soát:
Ông Trần Lê Quyết: 87.62%
11h45: Đại diện Eximbank trình thù lao HĐQT là 1,5% lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2014 (bằng mức năm 2013).
11h30: Thảo luận
Khoản đầu tư vào Sacombank mang lại hiệu quả như thế nào trong kết quả kinh doanh năm 2013 của Eximbank? Eximbank có rút vốn về không, có cử đại diện khác vào Sacombank không? Trước đây báo chí có thông tin trích dẫn lời của vị cao cấp tại Eximbank nói rằng Eximbank phải mất 40 năm mới theo kịp Sacombank?
Ông Phạm Hữu Phú cho biết, từ 09/01/2012 Eximbank đã chính thức đầu tư vào Sacombank là 9,73% vốn điều lệ với giá vốn 16.000 đồng/cp, tương đương giá trị trên dưới 1.600 tỷ đồng.
Eximbank đã nhận cổ tức từ Sacombank là 8% bằng tiền mặt và sẽ nhận tiếp 8% bằng cổ phiếu và 10% thặng dư vốn bằng cổ phiếu quỹ được chia, tương đương giá 11.903 đồng/cp.
Nếu so sánh giá trên thị trường của cổ phiếu STB là 17.000 đồng/cp thì Eximbank còn lời khoảng 5.000 đồng/cp, đây là khoản đầu tư có hiệu quả.
Tại sao hiệu quả mà Eximbank rút đại diện của mình về?
Ông Phú cho biết, trước khi tổ chức ĐHĐCĐ Sacombank, Eximbank đã điều động rút ông Phú về để tăng cường quản trị cho Eximbank. Ông Phú cũng chia sẻ thêm sau 2 năm vào Sacombank, tình hình hoạt động đã ổn định, không cần sự có mặt của ông Phú.
Sắp tới Ngân hàng Phương Nam – Southernbank (PNB) sẽ sáp nhập vào Sacombank, khoản đầu tư vào Sacombank của Eximbank sẽ như thế nào?
Ông Phú cho biết đây chỉ chủ trương ban đầu của hai ngân hàng, còn phải hoàn tất nhiều thủ tục, HĐQT của Eximbank sẽ là người quyết định có thoái vốn không. Nếu khoản đầu tư vẫn mang lại hiệu quả thì sẽ không thoái vốn, nếu vì lý do nào mà thoái vốn thì đó là vì quyền lợi của cổ đông Eximbank
Ai là đại diện vốn Eximbank tại Sacombank?
Ông Phú trả lời, trước đây khi đầu tư vào Sacombank, Eximbank có 3 người làm đại diện vốn bao gồm ông Phạm Hữu Phú 8%, ông Nguyễn Vạn Lý - Phó Trưởng Ban kiểm soát STB 0,73% và ông Hà Tôn Trung Hạnh – Phó Tổng giám đốc STB 1%.
Sau khi có quyết định ông Phú về Eximbank, ông Lê Hùng Dũng đã có quyết định chia số vốn đầu tư này làm 2 phần cho ông Hạnh và ông Lý tiếp tục quản lý vốn.
Ai sẽ đại diện vốn mới của SJC tại Eximbank?
Ông Lê Hùng Dũng cho biết đó là quyết định của SIC, nhưng theo thông tin từ ông Dũng thì Nhà nước có chủ trương các khoản đầu tư tại các TCTD sẽ được điều động về NHNN.
Eximbank sẽ bán nợ xấu cho VAMC 2014 là bao nhiêu?
Eximbank đã tham gia bán nợ xấu cho VAMC là 924 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013.
Đến năm 2014, Eximbank có kế hoạch bán tiếp 1.000-1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Tại sao kế hoạch năm 2014 với tín dụng tăng 10% nhưng lợi nhuận tăng với tốc độ cao hơn, liệu kế hoạch có khả thi không? Trong năm 2013 Eximbank đặt kế hoạch 3.000 tỷ lợi nhuận nhưng không đạt kế hoạch, liệu trong năm 2014 có gây “ngạc nhiên” như trong 2013 không?
Eximbank có kế hoạch lợi nhuận tăng nhờ thay đổi cơ cấu tín dụng, giảm chi phí hoạt động, thị trường giảm lãi suất huy động giúp giảm chi phí sử dụng vốn của ngân hàng.
Ông Lê Hùng Dũng cho biết kế hoạch 2013 tính toán là hơi “sít”, HĐQT đã không hình dung thị trường 2013 xuất hiện nhiều tình hướng xấu, trong đó có tất toán vàng. Eximbank đã có kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài trước đây mang lại lợi nhuận lớn cho Eximbank.
Năm 2014, Eximbank vẫn phải làm theo cách truyền thống, LNTT dự kiến 1.800 đồng trên cơ sở đã có tính toán. Ông Dũng cho biết kế hoạch là có khả năng do trong 4 tháng đầu năm đã đạt 600 tỷ, trừ trích dự phòng 30 tỷ thì lợi nhuận còn khoảng 570 tỷ đồng.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm về 2 rủi ro mà Eximbank sợ nhất là rủi ro đạo đức và rủi ro chính sách. Về rủi ro đạo đức nhân viên, Eximbank đã phát hiện 7 giám đốc chi nhánh dối trá gây thiệt hại tài sản tương đối lớn và sẽ xử lý nội bộ, bắt đi thu hồi nợ, thậm chí sẽ đề nghị khởi tố bị can, một số đã bỏ trốn thì sẽ cho truy nã. Như vậy với tổng số 41 chi nhánh mà Eximbank đã có 7 giám đốc vi phạm là tỷ lệ không hề thấp. Về rủi ro chính sách, sang năm Nhà nước có chính sách vĩ mô nào thay đổi thì không ai có thể kiểm soát được.
Quý 1/2014 lợi nhuận trước thuế là bao nhiêu? Chi phí trích lập dự phòng rủi ro bao nhiêu?
LNTT của Eximbank trong quý 1/2014 là 441 tỷ đồng.
Về trích dự phòng rủi ro, theo quy định việc chốt số số liệu trích lập dự phòng là vào 31/03 và sẽ thực hiện trong tháng 04/2014. Như vậy trong 3 tháng đầu năm Eximbank chưa trích lập nhưng trích lập tính đến cuối tháng 04/2013 là khoảng 100 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động 2014 giảm bao nhiêu?
Chi phí hoạt động năm 2014 dự kiến giảm 5%, trong đó chi phí quảng cáo giảm 50%, thuê văn phòng giảm 20%.
Tổng tài sản của Eximbank chủ yếu gồm huy động trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) và thị trường 2 (các ngân hàng với nhau), Eximbank sẽ tăng thị trường 1 và giảm thị trường 2 và duy trì tương đương năm 2013 đối với tổng tài sản.Cổ tức 2013 là 4% thấp hơn so với các ngân hàng khác, nên tăng lên 5%?
Kiểm toán có ý kiến 4% nên là mức chia cổ tức tối đa.
Nguồn Công Lý