Eximbank - Sacombank hợp nhất phải được 65% cổ đông chấp thuận
Liên quan đến chủ đề được dư luận hết sức quan tâm này, báo Đầu tư chứng khoán đã phỏng vấn ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, và ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank.
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến khả năng Eximbank và Sacombank sẽ “về chung một nhà”. Chủ trương này bắt nguồn từ đâu và nếu điều này xảy ra thì có thể hiểu đây là việc hợp nhất hay sáp nhập, thưa ông?
Ông Phạm Hữu Phú: Ý tưởng về việc hợp nhất giữa Sacombank và Eximbank xuất phát từ khi Hội đồng quản trị Eximbank quyết định đầu tư gần 10% cổ phần Sacombank qua việc mua lại cổ phần Sacombank của ANZ. Sau khi Eximbank chính thức trở thành cổ đông lớn của Sacombank, lãnh đạo hai bên vẫn tiếp tục thảo luận về ý tưởng này.
Đồng thời, chúng tôi cũng có trao đổi với một số cổ đông lớn của cả hai ngân hàng và bước đầu các cổ đông lớn đều rất quan tâm đến khả năng hai ngân hàng hợp nhất với nhau. Đó cũng là cơ sở quan trọng để Sacombank và Eximbank quyết định hợp tác toàn diện và xem xét một cách nghiêm túc về khả năng hợp nhất trong tương lai.
Ông Lê Hùng Dũng: Trong định hướng và qua trao đổi giữa lãnh đạo cao cấp của Sacombank và Eximbank, chúng tôi nhận thấy, Sacombank và Eximbank đều có những thế mạnh riêng. Sacombank có năng lực cạnh tranh rất tốt trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ nhờ lợi thế mạng lưới rộng khắp, trong khi Eximbank rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài trợ xuất nhập khẩu và khách hàng doanh nghiệp.
Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng, nếu Sacombank và Eximbank có thể kết hợp các thế mạnh của nhau thì sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh rất lớn, khá toàn diện và qua đó có thể gia tăng hiệu quả hoạt động, tăng lợi ích cho khách hàng, cổ đông, người lao động và rộng hơn là hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc hình thành các ngân hàng mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Từ quan điểm đó, lãnh đạo hai bên quyết định sẽ hợp tác toàn diện và trong thời gian từ 3 - 5 năm sẽ nghiên cứu khả năng hợp nhất với nhau. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chủ trương của Hội đồng quản trị hai ngân hàng. Để chủ trương này thành hiện thực, chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, hai ngân hàng sẽ thuê tổ chức tư vấn nước ngoài thực hiện các dự án nghiên cứu tiền khả thi và khả thi.
Ông Lê Hùng Dũng (trái) và ông Phạm Hữu Phú (phải) |
Được biết, hiện có một số tổ chức tư vấn quốc tế đang quan tâm và muốn tham gia vào thương vụ này?
Ông Phạm Hữu Phú: Lãnh đạo của hai ngân hàng đều thống nhất rằng Sacombank và Eximbank cần 3 - 5 năm để tìm hiểu nhau và việc hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên sẽ tạo cơ hội cho hai bên có điều kiện hiểu nhau sâu sắc hơn.
Song song với việc hợp tác chiến lược, các bộ phận nghiệp vụ của hai ngân hàng sẽ nghiên cứu về khả năng hợp nhất. Bên cạnh đó, hai bên đều ý thức về tầm quan trọng và tính phức tạp của việc hợp nhất nên nhiều khả năng chúng tôi sẽ thuê các tổ chức tư vấn quốc tế hỗ trợ về lộ trình và các vấn đề mang tính kỹ thuật để việc hợp nhất, nếu xảy ra, sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên có liên quan.
Việc ký Hợp tác chiến lược, trong đó có nội dung về sáp nhập/hợp nhất, khi chưa thông qua Đại hội cổ đông của cả 2 ngân hàng có hợp lý hay không và vấn đề này có đưa ra xin ý kiến Đại hội cổ đông sắp tới hay không, thưa ông?
Ông Lê Hùng Dũng: Việc ký kết hợp tác chiến lược giữa hai ngân hàng trong nước với nội dung hợp tác trong hoạt động tín dụng, hỗ trợ thanh khoản, kinh doanh ngoại hối, tái cấu trúc và nhân sự đào tạo là hoạt động hết sức bình thường và thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.
Về nội dung hợp nhất/sáp nhập, đây chỉ mới là chủ trương để hai bên phối hợp nghiên cứu. Khi các điều kiện chín muồi và hai bên nếu nhận thức việc hợp nhất sẽ mang lại nhiều lợi ích, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục xin phép Đại hội cổ đông của hai ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền.
Xin cho biết tỷ lệ sở hữu của Eximbank và các cổ đông lớn có liên quan tại Sacombank? Với sự đồng thuận của các cổ đông lớn, kế hoạch này coi như đã được thông qua bao nhiêu phần trăm, có cần sự ủng hộ của các cổ đông nhỏ hay không?
Ông Phạm Hữu Phú: Tỷ lệ sở hữu của Eximbank tại Sacombank hiện tại là 9,73%. Ngoài tỷ lệ sở hữu chính thức của Eximbank, đến thời điểm này, không có cổ đông lớn nào của Sacombank có liên quan đến Eximbank. Theo điều lệ của Sacombank và cả Eximbank, việc hợp nhất/sáp nhập phải được 65% cổ đông tham dự Đại hội cổ đông chấp thuận. Do vậy, sự ủng hộ của các cổ đông dù lớn hay nhỏ của cả hai ngân hàng trong trường hợp hợp nhất là hết sức quan trọng.
Cho đến khi việc hợp nhất thành hiện thực, Sacombank và Eximbank có tiếp tục tăng vốn điều lệ hay không, thưa ông?
Ông Phạm Hữu Phú: Tùy theo chiến lược, kế hoạch và nhu cầu phát triển, trước khi việc hợp nhất thành hiện thực, cả hai ngân hàng đều có thể tăng vốn điều lệ. Đối với Sacombank, chúng tôi đang khẩn trương thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ thêm 17% thông qua việc chi trả cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu (14%) và phát hành cho cán bộ chủ chốt (3%). Đồng thời, Sacombank cũng đang đẩy mạnh đàm phán về việc phát hành 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Có thể hình dung ngân hàng “sau sáp nhập” sẽ như thế nào?
Ông Lê Hùng Dũng: Theo kế hoạch, đến cuối năm 2013, quy mô vốn điều lệ của Eximbank và Sacombank vào khoảng 30.000 tỷ đồng, với hệ thống mạng lưới rộng khắp với khoảng hơn 650 điểm giao dịch. Nếu việc hợp nhất xảy ra trong khoảng 3 - 5 năm nữa, quy mô và năng lực của hai ngân hàng sẽ lớn hơn rất nhiều, cả về quy mô vốn, tổng tài sản, mạng lưới hoạt động… Theo quan điểm của chúng tôi, hệ thống tài chính Việt Nam rất cần những ngân hàng quy mô thực sự lớn và cạnh tranh ở tầm khu vực như vậy.
Các vấn đề hậu sáp nhập/hợp nhất như xung đột văn hóa doanh nghiệp, khác biệt về quản trị, bài toán sắp xếp lại nhân sự… luôn làm nhức đầu các lãnh đạo doanh nghiệp. Vậy các kịch bản này đã được tiên liệu đối với Eximbank- Sacombank?
Ông Lê Hùng Dũng: Như đã đề cập, nếu được cổ đông đồng ý và cơ quan quản lý chấp thuận, chúng tôi có vài năm để chuẩn bị. Sự hợp tác chiến lược giữa hai ngân hàng hôm nay mới là bước khởi đầu trên một con đường khá dài để tiến tới việc hợp nhất, sáp nhập trong đó sự chuẩn bị kỹ thuật, lợi ích của các cổ đông cần được đặt lên hàng đầu.
Cá nhân tôi đánh giá hai ngân hàng kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù, có thế mạnh riêng nên hứa hẹn tạo ra các giá trị cộng hưởng. Thành phần nhân sự, cổ đông hai ngân hàng tương tự như nhau nên bài toán nhân sự hay văn hóa công ty không có nhiều khác biệt để tạo nên sự xung đột.
1. Cho vay đồng tài trợ: Hai bên cùng hợp tác trong việc triển khai dịch vụ cho khách hàng vay vốn theo hình thức đồng tài trợ, đồng thời không tham gia cho vay các dự án có độ rủi ro cao.2. Cấp hạn mức tiền vay (thanh khoản): Để hỗ trợ lẫn nhau trong việc tối đa hóa nguồn vốn sinh lời, hỗ trợ thanh khoản khi một bên có nhu cầu, hai ngân hàng thống nhất cấp hạn mức mức tiền cho vay mà không cần tài sản đảm bảo đối ứng.3. Kinh doanh tiền tệ: Hai ngân hàng hỗ trợ cho nhau trong việc kinh doanh ngoại tệ và vàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ lẫn nhau trong điều tiết trạng thái ngoại hối của mỗi bên theo quy định.4. Nhân sự và đào tạo: Hai bên thống nhất cùng hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo, tập huấn cho nhân sự các cấp của mỗi bên, trong từng thời kỳ các bên sẽ chọn lọc và giới thiệu nhân sự đủ năng lực để hỗ trợ nguồn nhân lực cho nhau.5. Tái cấu trúc: Hai bên thống nhất hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm về công tác tái cấu trúc mọi mặt.6. Chiến lược hợp nhất/ sáp nhập: Trong vòng từ 3 - 5 năm, các bên sẽ nghiên cứu, xem xét trình ĐHĐCĐ cũng như cơ quan quản lý Nhà Nước có thẩm quyền về việc thực hiện chiến lược hợp nhất/sáp nhập nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Thời điểm, hình thức và nội dung cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận sau tùy theo nhu cầu và xu hướng kinh tế trong từng thời kỳ. |
Nguồn Đầu tư chứng khoán