Thứ Ba | 25/12/2012 07:00

EVN tìm được đối tác để thoái vốn khỏi lĩnh vực bảo hiểm

Theo Phó Tổng giám đốc EVN, tập đoàn đã thống nhất được giá với đối tác chiến lược để chuẩn bị ký hợp đồng nhượng bán vốn trong công ty bảo hiểm.
Tại buổi họp báo về giá điện ngày 21/12, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri cho biết, đến năm 2015, tập đoàn sẽ thoái hết vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Với lĩnh vực bảo hiểm, đã có đối tác chiến lược thảo luận với EVN, hiện tập đoàn đã thống nhất được về giá chuẩn bị ký hợp đồng nhượng bán, ông Tri nói.

Tại ngân hàng, theo ông Tri, EVN đã báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện đấu giá cổ phần và được chấp thuận. Trong trường hợp đấu giá không thành công, EVN sẽ tìm đối tác chiến lược để bán theo giá sổ sách.

Còn lĩnh vực bất động sản, EVN cũng có phương án thoái toàn bộ vốn. Ví dụ như tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung, EVN đã bán thanh lý tài sản và chia lại cho cổ đông.

Theo đề án tái cơ cấu EVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2015, tập đoàn này phải hoàn thành việc thoái vốn tại công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu (GIC); ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK); công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) và 3 công ty bất động sản là Sài Gòn Vina, Điện lực Miền Trung và Đầu tư & xây dựng Điện lực Việt Nam.

Trước đó, ngày 20/7, thông tin tại buổi tọa đàm về việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá điện, ông Tri cho hay, EVN nắm khoảng 22,5% vốn điều lệ của GIC và tập đoàn có kế hoạch bán cổ phần cho ERGO International AG (Đức). Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho ERGO cần sự cho phép của Bộ Tài chính vì hiện công ty này cũng nắm 20% của GIC.

Ngoài ra, GIC cũng có những đối tác chiến lược khác là ngân hàng Đông Á (DongABank), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị & Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).

Tại ABBANK, theo báo cáo tài chính, tính đến 31/12/2011, EVN nắm khoảng 24,3% vốn điều lệ ngân hàng này. Tuy nhiên, mục tiêu của EVN là bán được ở 10.000 đồng/cổ phần trong khi giá cổ phiếu của ABBANK trên OTC đến ngày 24/12 chỉ 4.400 - 5.500 đồng/cổ phiếu nên việc thoái vốn cũng gặp khó khăn.

Với ABS, tính tại 31/12/2011, EVN nắm 28,93% vốn cổ phần. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tri, đây là đơn vị khó bán nhất vì thị trường chứng khoán hiện ảm đạm. Với cơ chế là phải bán bằng giá sổ sách, khả năng phải đến năm 2015 EVN mới thoái được vốn tại ABS, ông Tri cho hay.

Nguồn Khampha


Sự kiện