Thứ Năm | 28/06/2012 11:38

EVN còn thiếu 180.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho điện

Trong giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, hiện tập đoàn đã thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng.
Đây là thông tin được ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại buổi tọa đàm trực tuyến về triển khai quy hoạch điện VII tổ chức sáng nay (28/6).

Theo ông Thành, số vốn chưa thu xếp được chủ yếu là cho các công trình trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam như dự án Mỹ Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng, Ô Môn 3, 4. Hiện tập đoàn đang đàm phán vay vốn ADB, JICA, đồng thời kiến nghị Chính phủ thu xếp nguồn vốn trong nước.

Việc thiếu vốn sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án điện, ông Thành khẳng định. Tuy nhiên, với những dự án đã thu xếp được vốn và các dự án có khả năng thu xếp vốn thì EVN sẽ đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.

Bàn về vấn đề vốn cho các dự án điện, ông Phan Ngọc Quang, Phó Vụ trưởng Vụ đầu tư - Bộ Tài chính cho biết, hiện vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ đáp ứng khoảng 20-30% tổng mức vốn cần thiết của dự án điện, còn lại là huy động bên ngoài.

"Chúng ta cũng phải trông chờ vào nguồn vốn bên ngoài rất nhiều, phía Việt Nam chỉ có thể chủ động tối đa khoảng 70 - 80% số vốn cần thiết", ông Quang nói.

Do vậy, với quy hoạch điện VII, chắc chắn sẽ xảy ra thiếu vốn. Để giải quyết vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, về ngắn hạn, Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch điện VII có thể đề xuất các ngân hàng cho vay, Chính phủ bảo lãnh hoặc có cơ chế cho phép một số nhà đầu tư được vay ưu đãi…

Về dài hạn, sẽ thực hiện tái cơ cấu lại ngành điện, tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá điện để hấp dẫn nhà đầu tư, thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, để giải quyết việc thiếu vốn, giải pháp chính vẫn là thông qua chính sách giá. Khi giá điện phù hợp, các nhà đầu tư có lãi thì các dự án sẽ đủ sức hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước, khu vực nhà nước cũng như tư nhân.

Ngoài ra, Thứ trưởng Vượng cũng cho rằng, các chủ đầu tư như EVN, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) phải đặc biệt lưu ý lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực để triển khai, tránh việc triển khai chậm trễ như các dự án điện vừa qua.

Bên lề buổi tọa đàm, trả lời phỏng vấn của phóng viên, đại diện EVN cho biết thêm, tập đoàn đã phối hợp với Bộ Công thương chuẩn bị xong các điều kiện để thực hiện phát điện cạnh tranh từ 1/7/2012. Hiện có 29 nhà máy đủ điều kiện tham gia thị trường.

Hợp đồng chuyển đổi giá của EVN với các nhà máy điện độc lập sẽ được thực hiện xong trong tuần này, bình quân giá thay đổi của một số nhà máy ở mức 5%, ông Thành cho hay. Với các nhà máy điện phụ thuộc, vì chưa có tư cách pháp nhân nên không có chủ thể ký hợp đồng, do vậy khi các tổng công ty phát điện ra đời, đơn vị sẽ tiến hành ký hợp đồng với các công ty này.

Nguồn Lược ghi


Sự kiện