Thứ Sáu | 23/11/2012 20:34

EVN còn 4 ngành nghề kinh doanh chính

Đến năm 2015, EVN phải thoái hết vốn tại ngân hàng An Bình, công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Bất Động sản Sài Gòn Vina,...
Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012 - 2015.

Theo đó, EVN có 4 ngành, nghề kinh doanh chính gồm: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng, chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; Xuất nhập khẩu điện năng; Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện.

Ngoài ra, EVN được kinh doanh các ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính gồm: Xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện, thiết bị đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu cách điện, vật liệu cách nhiệt, trang bị bảo hộ lao động; đầu tư, kinh doanh cơ khí điện lực...

Vốn điều lệ của EVN (sau khi đánh giá lại tài sản) là 143.404 tỷ đồng.

Quyết định yêu cầu, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại: Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình; Công ty cổ phần chứng khoán An Bình; Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu; Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina; Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam.

EVN cũng sẽ tiến hành tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp. Với quyết định này, 14 đơn vị được giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - EVN, 9 doanh nghiệp khác do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, 5 doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn và 6 doanh nghiệp do EVN nắm giữ dưới 50% vốn.

Nguồn Toquoc.vn


Sự kiện