Ảnh: Quý Hòa

 
Vũ Quỳnh Thứ Hai | 09/03/2020 16:00

EVFTA đón dòng vốn mới cho ngân hàng

Theo phân tích của JP Morgan, Các ngân hàng Việt Nam là cơ hội đầu tư nổi trội ở Đông Nam Á.

Theo báo cáo “Triển vọng ngành 2020” của Công ty Chứng khoán BSC, ngành ngân hàng được đánh giá là khả quan với nhiều luận điểm đầu tư triển vọng.

Đón dòng vốn từ EU

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo thứ 2, cập nhật đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo báo cáo, nhìn chung các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn. Thiệt hại có thể lớn gấp 3-4 lần so với dịch SARS (40 tỉ USD), lên tới 160 tỉ USD.

Trong bối cảnh này, nhiều lĩnh vực của Việt Nam đang chịu tác động rõ ràng của dịch bệnh như dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp và xây dựng. Về ngắn hạn, các ngành nội địa như nông nghiệp, vận chuyển, du lịch và khách sạn cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của dịch bệnh...

 

Đối với ngành ngân hàng, theo Vụ Tín dụng, có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank, ước tính đợt dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng tới phân nửa hàng hóa của Việt Nam (không riêng nông nghiệp), ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Từ tháng 1.2020, các ngân hàng lớn đã dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của năm 2020 vào khoảng 10%, thấp hơn con số 15% của năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn chung của thị trường, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA có thể xem như một tấm vé bảo đảm cho kinh tế Việt Nam thời hậu COVID-19. Chưa dừng ở việc bảo đảm hàng hóa Việt Nam sẽ thông thoáng hơn khi xuất khẩu sang EU, EVFTA còn khơi nguồn dòng vốn ngoại từ các nhà đầu tư vào ngân hàng thương mại Việt Nam, trong đó bao gồm các ngân hàng đầu tư như Deutsche Bank, Norges Bank… Theo Vietnam Investment Securities, trong vòng 5 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tổng số cổ phần trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam lên tới 49% vốn điều lệ của các ngân hàng đó (ngoại trừ BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank).

“Khi được nới room, ngân hàng mục tiêu sẽ được tiếp cận nguồn vốn lớn, hỗ trợ mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng bị giới hạn tỉ lệ LDR ở mức 85% theo Thông tư 22/2019”, báo cáo của Vietnam Investment Securities nhận định.

Hiện tại, MB, Techcombank, VPBank, ACB là 4 ngân hàng có lợi nhuận tốt nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, với quy mô tương đối lớn và hiệu quả hoạt động cao, là đích nhắm cho các thương vụ liên quan. Nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ hơn, bao gồm SHB, TPBank, HDBank, VIB, LienVietPostBank… đang khát vốn và sẵn sàng cho phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài.

 

Khẩu vị thay đổi

“Cách đây gần 20 năm, các ngân hàng châu Âu, Mỹ tìm mọi cách gia nhập thị trường ngân hàng Việt Nam, song khoảng 6-7 năm nay, nhiều ngân hàng có xu hướng rút khỏi Việt Nam hoặc thu hẹp hoạt động. Ngược lại, một số ngân hàng từ Nhật, Hàn Quốc, ASEAN lại tăng mạnh đầu tư sang Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định về những người mua tiềm năng. Dù không nhìn thấy động lực rót vốn sở hữu trực tiếp ngân hàng Việt Nam của các ngân hàng đến từ EU, song nhiều chuyên gia nhận định, EVFTA sẽ khiến dòng vốn gián tiếp (FII) đổ vào lĩnh vực chứng khoán Việt Nam sôi động hơn, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. “Trước mắt, EVFTA mở ra cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam có thể thu hút dòng vốn FII từ EU. Theo đó, thông qua các quỹ đầu tư, dòng vốn từ EU đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ tăng”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Những ngân hàng mục tiêu tiềm năng sẽ được lựa chọn dựa trên các tiêu chí như lợi nhuận đầu tư (biên lợi nhuận tốt), kiểm soát rủi ro hiệu quả, nâng cao hình ảnh của tổ chức (cơ hội tăng trưởng và có thế mạnh trong phân khúc khai thác), đặc biệt đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong khâu quản trị vận hành (Basel II và Basel III, báo cáo theo chuẩn mực IFRS). Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), các ngân hàng có tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao và hệ số CAR chất lượng có thể kể đến: VPB (NIM: 9,37%; CAR: 11,08%) và VIB (NIM: 3,93%; CAR: 9,70%). Đây cũng là nhóm ngân hàng đã xử lý hết nợ trái phiếu VAMC.

 

Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán BSC, trong năm 2019, NIM toàn ngành được cải thiện lên mức 3,56% do tăng trưởng tín dụng chậm lại, lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài trong khi lãi suất cho vay ổn định và việc tái cơ cấu các khoản vay với lãi suất cao hơn. “Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020, từ đó giúp cải thiện NIM”, báo cáo của BSC nhận định.

Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi của nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tỉ trọng trên tổng doanh thu hoạt động (TOI - Total Operating Income). Nguyên nhân vì sự tăng trưởng ấn tượng từ thu phí dịch vụ, thu hồi các khoản nợ xấu, kinh doanh trái phiếu, bảo hiểm và ngoại hối của các ngân hàng. Tỉ lệ bình quân hiện đang chiếm quanh 24,6%. Cá biệt, thời gian sắp đến, một vài ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận các khoản một lần (one-off) lớn đến từ thu một lần phí bancassurance như VCB, TPB.

Cũng như mọi đợt dịch bệnh dù dài hay ngắn trước đây, dịch COVID-19 rồi sẽ qua đi. Tiềm năng vững chắc sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam đón nhận cơ hội mới từ EVFTA.