EVFTA: Cửa ngõ mới cho đa dạng hóa thị trường
Phụ thuộc thương mại đầy hiểm nguy
Chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang bị tác động dữ dội do sụt giảm hoạt động sản xuất và thương mại vì đại dịch COVID-19. Đối với một nền kinh tế mở và tỉ trọng xuất nhập khẩu chiếm tỉ lệ rất cao trong GDP như Việt Nam, các vấn đề liên quan đến những biến động như vậy có thể leo thang nhanh chóng, đặc biệt là khi nền kinh tế có mối liên kết quan trọng nhưng thiếu bền vững với nước láng giềng phương Bắc.
Các số liệu chính thức cho thấy đóng cửa biên giới với Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc sụt giảm 22-24% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị thuộc Đại học RMIT, Việt Nam: “Tương tự, việc xuất siêu cao và tăng liên sang thị trường Mỹ cũng có thể không bền vững. Nếu có thay đổi chính sách từ chính quyền của Tổng thống Trump sẽ khiến ngành xuất khẩu của Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, đặc biệt khi các doanh nghiệp địa phương chưa làm chủ được các khâu chính trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Trong những năm gần đây, hoạt động ngoại thương của Việt Nam liên tục ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó thặng dư thương mại với Hoa Kỳ ngày càng tăng. “Xây dựng được cán cân thương mại cân bằng về mặt tổng thể sẽ giúp ổn định nền kinh tế hơn và tăng khả năng chống lại các cú sốc ngoại vi như đại dịch COVID-19”, Tiến sĩ Trung nhận định.
“Chưa rõ khi nào cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ kết thúc và khi nào các tác động gián tiếp lên nền kinh tế sẽ được khắc phục. Vì vậy, yêu cầu cấp bách đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là phải nhanh chóng nắm lấy và hành động để đa dạng hóa thị trường và qua đó giảm thiểu các rủi ro phải đối mặt”.
Trong tương quan này, Hiệp định EVFTA có thể mang ý nghĩa sống còn, bên cạnh các thỏa thuận quốc tế khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT Việt Nam, EVFTA là thỏa thuận ổn định nhất đối với Việt Nam vì đưa ra các quy tắc chặt chẽ hơn, yêu cầu tất cả các đối tác phải tuân thủ. “Điều đó có nghĩa sẽ có ít cơ hội hơn để các nước theo đuổi chính sách ‘bần cùng hóa người láng giềng’ nhằm thu về lợi ích ngắn hạn, dù có chủ ý hay không”, Tiến sĩ Walsh nói.
Các FTA thế hệ mới cũng sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội nâng cao vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu, vượt hẳn khỏi các lợi thế như chi phí lao động thấp hay nguồn lực nông nghiệp dồi dào, để hướng tới việc chuyển giao công nghệ và tận dụng kỹ năng của lực lượng lao động trẻ.
Sau 7 năm kể từ khi FTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hơn 99% số dòng thuế, tương đương hơn 99% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam - đặc biệt là các sản phẩm thuộc ngành dệt may, giày dép và nông sản - sẽ được “chắp thêm cánh” khi ngành năng lượng chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn về lượng khí thải carbon thấp.
Hơn nữa, Tiến sĩ Walsh cho rằng khi nền kinh tế nói chung và người tiêu dùng Việt Nam nói riêng đã quen với hàng hoá nhập khẩu từ EU trong các lĩnh vực mới, thì ngành bán lẻ và phân phối sẽ được tiếp sức để sẵn sàng đón nhận các sản phẩm khác trong những danh mục tương tự đến từ khắp nơi trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm ưu việt với giá thành rẻ từ EU và có thể sử dụng chúng trong các quy trình sản xuất của mình, từ đó cải thiện năng suất và lợi nhuận của hàng xuất khẩu Việt Nam.
“Khi tính cạnh tranh tăng lên, Việt Nam sẽ có thêm cơ sở để thúc đẩy thương mại, thông qua việc hài hòa hóa các điều kiện pháp lý, quy tắc xuất xứ, các quy định quản lý và hành chính hải quan, cũng như công nhận các tiêu chuẩn và quy định phù hợp của nhau”, Tiến sĩ Trung cho biết.
Các vấn đề còn tồn tại
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức đến từ yêu cầu của các thỏa thuận mới. Một số chương trong EVFTA về bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo vệ quyền sở hữu, mua sắm công và các lĩnh vực khác còn khác biệt so với các quy định và tiêu chuẩn hiện hành. Khu vực tư nhân cũng sẽ phải chuẩn bị đáp ứng các thách thức nâng cấp chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, nhằm đảm bảo tất cả các mắt xích trong chuỗi tuân thủ theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
“Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các công ty này thường khá linh động và nhiều khả năng có thể vươn lên nắm bắt các cơ hội mới trong nền kinh tế nhưng họ đang rất yếu và thiếu nguồn lực”, Tiến sĩ Trung nhận định.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp siêu nhỏ. Vì vậy, theo Tiến sĩ Trung, “thất bại trong việc kết nối các doanh nghiệp này với chuỗi giá trị toàn cầu có thể khiến nền kinh tế phát triển không bền vững trong những năm tới”.
Tiến sĩ Walsh cho rằng, cần đưa ra những cách nghĩ mới để đảm bảo tối ưu hóa lợi ích từ các FTA và giảm thiểu rủi ro. “Không thể tư duy dựa trên các giải pháp ngắn hạn nhưng gây tổn hại đến môi trường hay các kế hoạch dài hạn được nữa. Nền công nghiệp sạch, bao hàm và hiệu quả chính là tương lai mà nền kinh tế Việt Nam cần hướng tới”, Tiến sĩ Walsh khẳng định.
Còn Tiến sĩ Trung thì nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ phải đóng vai trò quan trọng quá trình này, nhưng thiên về phục vụ hơn là tham gia quá sâu vào nền kinh tế.
“Quản trị hiện đại là điều bắt buộc với tất cả các chính phủ tiến bộ hiện nay. Năng suất và hiệu quả của chính phủ sẽ phụ thuộc vào cách đội ngũ lãnh đạo xây dựng bộ máy vững mạnh và tận dụng công nghệ thông qua chuyển đổi kỹ thuật số và các dịch vụ chính phủ điện tử”, vị tiến sĩ này cho biết.
Theo Tiến sĩ Walsh, các đại dịch thường đem đến những thay đổi mạnh mẽ cho các nền kinh tế, quan hệ xã hội và hoạt động của chính phủ. Các thay đổi này sẽ tự diễn biến theo hướng riêng của mình nếu không được quản lý sát sao.
“Đây là lúc Việt Nam cần đa dạng hóa các đối tác thương mại một cách mạnh mẽ hơn và hiện đại hóa chính phủ mạnh mẽ hơn nữa nhằm giảm sự phụ thuộc vào một hoặc hai thị trường trọng điểm cả về nhập khẩu và xuất khẩu. EVFTA là một yếu tố cần thiết trên hành trình đó”, Tiến sĩ Trung kết luận.