Euro yếu, xuất khẩu chịu áp lực lớn
Tại Đại hội Cổ đông của Công ty Cổ phần Thủy sản số 4, ban lãnh đạo và cổ đông của công ty này đã không giấu được nỗi lo lắng khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là châu Âu đang chịu áp lực lớn về giá trị xuất khẩu do đồng euro liên tiếp sụt giảm trong thời gian gần đây. Trong năm 2014, thị trường này đã chiếm đến 33,63% giá trị xuất khẩu của Thủy sản số 4.
Một doanh nghiệp thủy sản khác có tiếng trong ngành là Thủy sản Hùng Vương cũng chứng kiến giá trị xuất khẩu trong những tháng đầu năm giảm 5% so với năm trước do ảnh hưởng của tỉ giá, dù sản lượng xuất khẩu không giảm.
Nỗi lo của Hùng Vương hay Thủy sản số 4 cũng là nỗi lo chung của ngành. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2015, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản cả nước chỉ đạt 1,3 tỉ USD, giảm tới 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng không chỉ riêng ngành thủy sản mà các ngành nghề Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như nông sản, dệt may cũng chịu những thiệt hại không nhỏ do tỉ giá.
Kể từ tháng 5.2014 đến nay, euro đã sụt giảm 20% so với đồng USD, trong khi cùng thời gian trên, tiền đồng chỉ giảm nhẹ 2%. Điều này khiến doanh thu xuất khẩu khi chuyển từ đồng euro sang tiền đồng sụt giảm mạnh và trong nhiều trường hợp, doanh thu thu về đã không đủ cho doanh nghiệp trang trải chi phí chế biến.
Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt 35,7 tỉ USD, tức chỉ tăng nhẹ 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đã giảm đến 5,1%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong các quý gần đây |
Việc euro sụt giảm mạnh cũng khiến hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu đang trở nên hấp dẫn hơn về mặt giá cả. Mới đây, 4 mẫu xe của hãng xe Peugeot (Pháp) tại Việt Nam đã đồng loạt giảm mạnh, từ 20-240 triệu đồng so với trước, tạo nên sức nóng cạnh tranh mới trên thị trường tiêu thụ ôtô Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, giá trị nhập khẩu từ thị trường châu Âu đã tăng 9,8% so với cùng kỳ khi đạt giá trị 2,1 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng nhập khẩu từ châu Âu đã tăng rất mạnh.
Trong thời gian tới, viễn cảnh đồng euro tiếp tục suy yếu sâu có nhiều khả năng xảy ra khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng 1 đã tuyên bố sẵn sàng mua hơn 1.000 tỉ euro giá trị trái phiếu các loại cho đến tháng 9 năm sau, nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế và tránh giảm phát.
Để đối phó với áp lực này, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tìm cách hoãn ký các hợp đồng mới nhằm chờ đồng euro mạnh trở lại. Tuy vậy, đây là điều không dễ khi chi phí quản lý kho cũng như chi phí đảm bảo chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên. Một hướng đi khác như Thủy sản số 4 đã làm là tích cực tìm kiếm các thị trường mới nhằm đa dạng hóa rủi ro xuất khẩu.
Trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Thủy sản số 4, một đơn vị lớn về xuất khẩu cá tra, cho biết từ quý II năm ngoái đến nay, Công ty đã nỗ lực tìm các bạn hàng mới ở gần Việt Nam như Philippines, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan. Điều bất ngờ là các thị trường mới này đã mang lại hiệu quả nhất định cho Công ty. “Họ cũng có nhu cầu rất lớn về cá tra”, ông Lực nói.
Một lợi thế khác của các thị trường ở gần Việt Nam là tàu vận chuyển hàng đến đó chỉ mất từ 3-7 ngày. Điều này giúp Công ty quay vòng vốn nhanh hơn khá nhiều so với việc phải chờ đến hơn 60 ngày mới lấy được tiền của các khách hàng ở Mỹ hay châu Âu. “Các thị trường mới nổi ở châu Á đang được các công ty trong ngành chú trọng. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Thủy sản số 4 ở các thị trường mới nổi đạt tới 30%”, ông Lực chia sẻ.
Theo Cục Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Philippines đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, khi đạt 4,6 triệu USD.
Ngoài ra, một số hoạt động kinh doanh khác cũng được Thủy sản số 4 tính đến như hợp tác với các đối tác ngoại trong việc kinh doanh kho lạnh để phục vụ nhu cầu nhập khẩu đang tăng lên. Tổng diện tích kho lạnh này, kèm theo một nhà máy chế biến nhỏ, có thể lên đến hơn 20.000 m2 ở Khu Công nghiệp Long Hậu (Long An).
Trong khi đó, Thủy sản Hùng Vương lại lựa chọn phương án mở rộng đầu tư ra nước ngoài khi thực hiện liên doanh với một tập đoàn đánh bắt của Nga và một doanh nghiệp khác đến từ châu Âu để cung cấp nguyên liệu chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ. Việc đồng rúp mất giá đang tạo điều kiện thuận lợi cho Hùng Vương khi đầu tư vào Nga.
Có thể thấy bên cạnh áp lực lớn, việc đồng euro suy giảm đang thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam thay đổi cơ cấu hoạt động. Điều này sẽ mang lại những lợi ích dài hạn cho các doanh nghiệp này.
Mặt khác, việc euro sụt giảm cũng không hẳn là tiêu cực khi nền kinh tế khu vực này có cơ hội phục hồi, kéo theo sức tiêu thụ ở thị trường này sẽ khởi sắc hơn trong các năm tới. Điều đó sẽ mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước. Sắp tới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chuẩn bị được ký kết cũng sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Đồng euro suy giảm cũng là tin vui cho các công ty trong nước có gánh nặng nợ vay bằng đồng euro. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, một số doanh nghiệp xi măng sẽ ghi nhận những khoản lợi nhuận khá lớn từ chênh lệnh tỉ giá như Xi măng Hà Tiên, Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Vicem Bút Sơn. Công ty Cổ phần Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng là doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn khi đồng euro sụt giảm mạnh, do có tỉ lệ vay ngoại tệ rất lớn với hơn 6.500 tỉ đồng, chiếm đến 55% nguồn vốn của doanh nghiệp này.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư