ge.com/vn
EU sẽ chi 40 triệu euro hỗ trợ Việt Nam cải cách ngành năng lượng
Bộ Công Thương phải có ngay đề suất chính thức giải ngân khoản vay này, EC sẽ kiểm tra và chỉ cho giải ngân khi các tiêu chí hợp lệ.
40 triệu Euro thuộc Chương trình Hỗ trợ Chính sách Ngành Năng lượng trị giá 108 triệu Euro của Liên minh Châu Âu, sẽ được giải ngân vào tháng 6 tới, ông Stefano Manservisi, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hợp tác Quốc tế và Phát triển thuộc Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết ngày 26.2, tại Hà Nội.
Chương trình Hỗ trợ Chính sách Ngành Năng lượng trị giá 108 triệu Euro này nằm trong khoản hỗ trợ viện trợ không hoàn lại dự kiến trị giá 346 triệu Euro của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) cho ngành năng lượng Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020, tính đến nay là gói tài trợ lớn nhất được EU cung cấp cho hoạt động hỗ trợ năng lượng bền vững trên thế giới.
Một điều mà vị Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hợp tác Quốc tế và Phát triển của EC chắc chắn với NCĐT rằng 40 triệu Euro “không phải là khoản đầu tư”.
Theo ông, khoản hỗ trợ không hoàn lại này sẽ được cấp trực tiếp vào ngân sách của Việt Nam để Chính phủ thực hiện các “hợp đồng cải cách ngành” năng lượng, với những tiêu chí cụ thể về số thị xã được cấp điện, số hộ dân được cấp điện hay số kilomet đường truyền tải điện… Các công ty của Việt Nam sẽ tham gia thực hiện chương trình này thông qua "Hợp đồng cải cách ngành".
Đến nay, các nội dung Chương trình Hỗ trợ Chính sách Ngành Năng lượng đã được thống nhất. Ông Stefano Manservisi cũng “đã trao đổi” với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, về việc “có ngay” một đề xuất chính thức của Bộ Công Thương cho việc giải ngân về khoản này. Dựa trên đề suất đó, phía EU sẽ kiểm tra lại các tiêu chí và quá trình giải ngân vào tháng 6 tới chỉ diễn ra khi các tiêu chí này hợp lệ.
Khoản tiền 40 triệu Euro này được cấp trực tiếp vào ngân sách của Nhà nước Việt Nam cho phép Chính phủ Việt Nam có nguồn tiền trực tiếp từ ngân sách để sử dụng vào các hoạt động cải cách ngành. “Hiệu quả sử dụng nguồn tiền này là lòng tin của chúng tôi đối với Chính phủ Việt Nam”, ông Stefano Manservisi nói với NCĐT.
Dù vậy, quá trình giải ngân lần này cũng như toàn bộ quá trình triển khai Chương trình Hỗ trợ chính sách ngành Năng lượng cũng sẽ được EU giám sát thông qua đối thoại với các cơ quan liên quan, sự hiện diện của vị Đại sứ và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Bây giờ, khi khoản tiền 40 triệu Euro còn chưa được giải ngân, Bộ Công Thương cũng đã có một kế hoạch cho giai đoạn hai về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, với khoản ngân sách tiếp theo là 140 triệu euro. Thậm chí, hai bên đã bắt đầu thảo luận về giai đoạn hợp tác tiếp theo về sử dụng số tiền còn lại, ông Stefano Manservisi cho biết.
Việc “nghe được nhiều thông tin” về quá trình đưa ra quyết sách của Việt Nam cũng như sự phức tạp của thủ tục hành chính ở Việt Nam khiến ông muốn xem xét những tác động của Chương trình Hỗ trợ Chính sách Ngành Năng lượng đối với Việt Nam để có “những quyết định phù hợp theo thời gian”.
Ông nói: “Chúng tôi hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tăng tốc hơn nữa các chương trình hợp tác”. Thế nhưng, với một quốc gia có sự tăng trưởng nhanh như Việt Nam, vị Tổng cục trưởng của EC cho rằng “quá trình đưa ra quyết sách nhanh chóng là hết sức quan trọng”.
Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng để duy trì phát triển kinh tế xã hội, trong khi biến đổi khí hậu tác đang động mạnh. Hiện nay, tại các vùng sâu, vùng xa, vẫn có 2% các hộ gia đình nông thôn vẫn chưa được tiếp cận điện.
Phía EU tin rằng, khoản tiền 108 triệu Euro này không chỉ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020, cung cấp nguồn điện bền vững cho 1.200.000 hộ dân vùng nông thôn, mà còn giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, tạo điều kiện cho sự chuyển đổi hướng tới phát triển một ngành năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam.