EU phải trả giá đường cao gấp đôi thế giới
Giống như người tiêu dùng, các công ty chế biến thực phẩm như Nestlé, Coca-cola, Kraft và các công ty sản xuất đường tinh luyện đang phải chịu chung số phận.
Trong khi đó, ngành công nghiệp đường (từ củ cải đường) của khu vực, bao gồm các tên tuổi lớn như British Sugar do ABF của Anh nắm giữ và nhóm các công ty Đức như Nordzuker và Südzucker là những bên được lợi nhiều nhất kể từ khi chính sách cải cách này được thi hành vào năm 2006.
Mặc dù EU đang thảo luận để cải cách lại Chính sách Nông nghiệp Chung, bao gồm cả hệ thống chính sách của thị trường đường, nhưng còn quá sớm để chắc chắn rằng sẽ có sự thay đổi.
Vào trước thời điểm chính sách này được thi hành vào 2006, các công ty tại EU bị WTO buộc tội bán phá giá đường, và sự cần thiết phải giúp các nước đang phát triển dưới hình thức “cứu trợ thương mại” buộc EU phải tái cấu trúc lại ngành công nghiệp đường của khu vực.
Khi đó, Bỉ là nước đã áp dụng hạn ngạch sản xuất, chỉ cho phép sản lượng đường nội địa bù đắp 85% nhu cầu, và 15% nhu cầu đường còn lại sẽ nhập khẩu từ các nước đang phát triển.
Vấn đề nảy sinh khi các nước đang phát triển, dù được miễn thuế vào EU vẫn không hoàn thành được vai trò của mình khi sản lượng đường của các nước này không đủ bù đắp phần nguồn cung bị khuyết đó.
Lúc này, các nhà chế biến tại EU buộc phải quay sang tìm các nhà cung cấp không được hưởng ưu đãi đến từ Brazil và Thái Lan. Mức nhập khẩu “vượt ngoài hạn ngạch” đó bị đánh thuế rất cao. Gần đây nhất, các công ty này phải trả thuế 300 euro cho 1 tấn đường nhập khẩu, trong khi giá của bản thân mặt hàng này là 350 euro/tấn. Như vậy, chi phí phải trả cho 1 tấn đường nhập khẩu lên tới 750 euro, chưa kể chi phí chế biến và các chi phí khác.
Điều này hiển nhiên dẫn đến việc giá đường tại thị trường EU bị đẩy lên cao và bên hưởng lợi không ai khác chính là ngành công nghiệp đường nội khu vực.
Hạn ngạch này sẽ hết hạn vào năm 2015 và các quốc gia thuộc EU cũng đang thảo luận về các biện pháp cải cách. Ủy ban châu Âu cũng đang có đề xuất dỡ bỏ hạn ngạch này nhưng còn cần sự phê duyệt của quốc hội và các tổ chức thành viên.
Rất nhiều công ty chế biến lương thực thực phẩm lớn kêu gọi hạn ngạch và thuế quan này cần sớm được dỡ bỏ để thị trường được tự do hóa. Trong khi đó không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty đường nội khối và các nước đang phát triển lại đang cố gắng vận động để hạn ngạch này được mở rộng đến năm 2020.
Nguồn FT/DVT