EU muốn mở trung tâm tài chính mới, London sắp phải "ra rìa"?
Việc nước Anh sắp sửa rời khỏi EU (Brexit) đã buộc khối này phải xem xét lại việc thành lập thị trường vốn chung (capital markets union - CMU), và khẩn trương tìm kiếm một địa điểm mới thay thế cho London. Đó là nội dung một bản thảo tài liệu của EU mà Reuters nhận được vào hôm thứ Tư.
Hiện nay London vẫn là thị trường tài chính lớn nhất của khối EU, nhưng sẽ ra ngoài khối kể từ năm 2019. Điều này đã đặt ra một thách thức đối với dự án CMU, vốn đã gặp trở ngại từ trước cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit hồi năm ngoái. Mục tiêu của CMU là giúp cho các doanh nghiệp châu Âu có thể huy động vốn dễ dàng hơn từ thị trường, thay vì dựa vào vốn vay ngân hàng như hiện nay.
Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng bà muốn có một hiệp định tự do thương mại với EU, trong đó sẽ bao gồm các dịch vụ tài chính. Nhưng tài liệu mà Reuters thu thập được cho thấy thay vào đó EU lại muốn "sao chép" hệ thống tài chính của London càng nhiều càng tốt.
Bản dự thảo này, vốn sẽ được đưa ra thảo luận bởi Ủy ban châu Âu vào ngày 7/6 tới đây, cho rằng sự kiện Brexit buộc EU cần phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp trong khối vẫn sẽ có cơ hội tiếp cận với các thị trường vốn đủ mạnh.
Nội dung tài liệu này ghi rằng: “Điều này đòi hỏi những hành động mạnh mẽ hơn, giám sát hiệu quả hơn và đảm bảo rằng những lợi ích của CMU được lan tỏa trên toàn bộ EU. London từ lâu đã là nơi cung cấp thanh khoản và các dịch vụ quản lý rủi ro cho phần còn lại của EU. Sự ra đi của Vương quốc Anh khỏi thị trường chung đã làm gia tăng mức độ cấp thiết của việc phát triển và hội nhập sâu hơn nữa của các thị trường vốn tại EU".
Thị trường tài chính Anh là nơi có "độ sâu" lớn nhất EU. Ảnh: CME Group |
Cũng theo đó, EU cần phải "tái thiết sâu" hệ thống tài chính và điều này "nghĩa là khuôn khổ chính sách tài chính và luật pháp của EU phải tích hợp được tính bền vững" và mở rộng "phạm vi địa lý của thị trường vốn".
Ngoài ra, EC đã tuyên bố sẽ công bố một dự thảo luật vào tháng tới để siết chặt việc thanh toán bù trừ các chứng khoán niêm yết giá bằng đồng euro, một hoạt động mà London hiện đang giữ vai trò chính.
EU muốn gì?
Dự thảo này đưa ra một loạt các đề xuất để thúc đẩy thị trường vốn của khối EU, đặc biệt là ở các lĩnh vực mà London từ lâu đã chiếm ưu thế như hoạt động đầu tư của các định chế, quản lý quỹ hưu trí và niêm yết chứng khoán.
Ngoài ra, dự thảo này cũng cho biết EC sẽ đưa ra đề xuất trong quý III về việc tăng cường quyền lực của Ủy ban Thị trường và Chứng khoán châu Âu (ESMA) - điều mà nước Anh từ lâu đã phản đối - để làm cho CMU có hiệu quả hơn.
EU cũng có thể đưa ra một đạo luật về các công ty niêm yết nhỏ trong quý II năm sau, để làm cho khối này trở thành một địa điểm hấp dẫn hơn cho các công ty muốn niêm yết.
EC sẽ đề xuất thêm dự thảo luật nhằm nới lỏng yêu cầu về vốn đối với các quỹ đầu tư vào quý IV/2017, và xem xét việc cấp giấy phép và quyền hoạt động trên toàn châu Âu (passporting) cho các công ty công nghệ tài chính.
Hoạt động xử lý thanh toán bù trừ (clearing) ở sàn Eurex tại Frankfurt (Đức) đã gia tăng mạnh từ sau Brexit. Ảnh: Reuters |
EC cũng sẽ đưa ra các biện pháp để "hỗ trợ các thị trường thứ cấp" đối với các khoản nợ xấu trong sổ sách của các ngân hàng, vốn bị cho là nguyên nhân khiến các ngân hàng hạn chế cho doanh nghiệp vay.
Cũng có thể sẽ có thêm một dự thảo luật để tạo hành lang thông thoáng hơn cho việc buôn bán xuyên biên giới các sản phẩm của các quỹ tương hộ và quỹ phòng hộ.
Văn bản này cũng cho biết thêm rằng, một dự thảo luật về sản phẩm hưu trí cá nhân liên châu Âu sẽ được công bố vào cuối tháng 6.
Cũng sẽ có một dự thảo luật đề xuất khung hoạt động của EU dành cho trái phiếu được bảo hiểm được đưa ra trong quý I năm sau.
Bá Ước
Nguồn Reuters